Chia sẻ Tổng quan về doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, khu công nghiệp

Smile

Well-Known Member
Bài viết
293
Reaction score
396
Tổng quan về doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, khu công nghiệp. Đánh giá doanh nghiệp chế xuất theo nghị định 18/2021/NĐ-CP. Điều kiện áp dụng với doanh nghiệp chế xuất.

1. Định nghĩa về chế xuất.

“Chế” trong từ “chế xuất” là chế biến, “xuất” trong từ “chế xuất” là xuất khẩu. Vậy chế xuất được hiểu là “chế biến và xuất khẩu” nhằm chỉ các doanh nghiệp với hoạt động chủ yếu là chế biến hàng hóa sau đó xuất khẩu.

2. Khu công nghiệp là gì?
Khu công nghiệp là khu vực ranh giới địa lý xác định, chuyên sản xuất hàng công nghiệp và thực hiện dịch vụ cho sản xuất công nghiệp, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP;
Khu công nghiệp gồm nhiều hình thức khác nhau bao gồm: Khu chế xuất, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái (sau đây gọi chung là khu công nghiệp, trừ trường hợp có quy định riêng đối với từng hình thức).

3. Khu chế xuất.
Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp quy định tại Nghị định 82/2018/NĐ-CP;
Khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
Ví dụ: Khu chế xuất Nomura – Hải phòng, Khu chế xuất Linh Trung – Thủ Đức.

4. Định nghĩa về khu phi thuế quan
Căn cứ điều 4 luật thuế xuất nhập khẩu 107/2016/QH13: “Khu phi thuế quan là khu vực kinh tế nằm trong lãnh thổ Việt Nam, được thành lập theo quy định của pháp luật, có ranh giới địa lý xác định, ngăn cách với khu vực bên ngoài bằng hàng rào cứng, bảo đảm Điều kiện cho hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan của cơ quan hải quan và các cơ quan có liên quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và phương tiện, hành khách xuất cảnh, nhập cảnh; quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.”

5. Định nghĩa về doanh nghiệp chế xuất.
Doanh nghiệp chế xuất là những doanh nghiệp chuyên chế biến hàng hóa xuất khẩu;
Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
Doanh nghiệp chế xuất không nằm trong khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

6. Doanh nghiệp chế xuất có là khu phi thuế quan hay không.
Doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan theo khoản 10 điều 2 nghị định 82/2018/NĐ-CP: “Doanh nghiệp chế xuất không nằm trong khu chế xuất được ngăn cách với khu vực bên ngoài theo các quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”
Là khu phi thuế quan theo khoản 20 điều 4 thông tư 219/2013/TT-BTC: “Khu phi thuế quan bao gồm: khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất, kho bảo thuế, khu bảo thuế, kho ngoại quan, khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu thương mại - công nghiệp và các khu vực kinh tế khác được thành lập và được hưởng các ưu đãi về thuế như khu phi thuế quan theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Quan hệ mua bán trao đổi hàng hóa giữa các khu này với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”

7. Điều kiện áp dụng khu chế xuất và doanh nghiệp chế xuất theo nghị định 82/2018/NĐ-CP.

a. Khoản 1 điều 30 nghị định 82/2018/NĐ-CP

Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu. Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư.

Giải thích:
Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định về khu vực hải quan riêng: "Khu vực hải quan riêng là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu".
Căn cứ khoản 1 Điều 57 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định: "Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đối với hàng hóa đưa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa như đối với hàng hóa đưa từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam".
Trước kia, việc cấp phép thành lập doanh nghiệp chế xuất được thực hiện độc lập bởi ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất các tỉnh, thành phố; tuy nhiên theo quy định mới nghị định 82/2018/NĐ-CP việc cấp phép này được thực hiện bởi 02 đơn vị: Hải quan sẽ đánh giá điều kiện kiểm tra, giám sát Hải quan và đưa ý kiến tới ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất để thực hiện cấp phép.

b. Khoản 2 điều 30 nghị định 82/2018/NĐ-CP
Trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất. Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất hoặc phân khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan theo quy định áp dụng đối với khu phi thuế quan, quy định tại pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Giải thích:
Doanh nghiệp chế xuất phải nằm trong các khu công nghiệp, hoặc khu chế xuất.
Phải thỏa mãn các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan theo điều 28a nghị định 134/2016/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung tại khoản 10 điều 1 nghị định 18/2021/NĐ-CP, theo đó Điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có hàng rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài; có cổng/cửa ra, vào đảm bảo việc đưa hàng hóa ra, vào doanh nghiệp chế xuất chỉ qua cổng/cửa.
- Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28a Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 của Chính phủ thì một trong các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất là khu phi thuế quan: Có hệ thống ca-mê-ra quan sát được các vị trí tại cổng/cửa ra, vào và các vị trí lưu giữ hàng hóa ở tất cả các thời điểm trong ngày (24/24 giờ, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ).
Căn cứ quy định nêu trên, các khu vực tại DNCX được sử dụng để lưu giữ hàng hóa như kho, bãi lưu giữ nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm, thành phẩm, máy móc, thiết bị và các hàng hóa không chịu thuế khác phải có ca-mê-ra quan sát; đối với các khu vực khác tại DNCX được bố trí để sản xuất, sử dụng hàng hóa như nhà xưởng, văn phòng, nhà ăn... thì không yêu cầu có ca-mê-ra quan sát theo quy định nêu trên.
- Có phần mềm quản lý hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế của doanh nghiệp chế xuất để báo cáo quyết toán nhập- xuất- tồn về tình hình sử dụng hàng hóa nhập khẩu theo quy định pháp luật về hải quan.

c. Khoản 3 điều 30 nghị định 82/2018/NĐ-CP
Doanh nghiệp chế xuất được mua vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để xây dựng công trình, phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp.
Doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.
Giải thích:
Đối với hàng hóa từ nội địa vào doanh nghiệp chế xuất, để được áp dụng thuế suất VAT 0% cần thỏa mãn các điều kiện tại điều 9 thông tư 219/2013/TT-BTC ngoài các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 16 thông tư 219/2013/TT-BTC.

d. Khoản 4 điều 30 nghị định 82/2018/NĐ-CP
Thủ tục hải quan, kiểm tra và giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo pháp luật về hải quan.

e. Khoản 5 điều 30 nghị định 82/2018/NĐ-CP
Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định.
Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.
Giải thích:
Quan hệ mua bán giữa DNCX và nội địa là quan hệ xuất nhập khẩu tại chỗ;
Doanh nghiệp chế xuất được phép thanh lý vào nội địa các hàng hóa theo quy định tại điều 75 thông tư 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 51 điều 1 thông tư 39/2018/TT-BTC.
Theo nguyên tắc đánh thuế, nguyên tắt về điểm đến, hàng hóa tiêu dùng trong lãnh thổ nước nào, nước đó có quyền đánh thuế. Vì vậy, tại thời điểm bán thanh lý hàng hoaas xuất nhập khẩu hàng hóa đó là đối tượng chịu thuế và áp dụng các chính sách hàng hóa khi thực hiện thủ tục Hải quan.

f. Khoản 6 điều 30 nghị định 82/2018/NĐ-CP
Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và ngược lại không phải khai báo hải quan.

g. Khoản 7 điều 30 nghị định 82/2018/NĐ-CP
Doanh nghiệp chế xuất khi được phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.
Giải thích:
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn các mặt hàng không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hoặc không được phân phối theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc không thuộc diện hạn chế theo cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo điều 5 và điều 7 luật quản lý ngoại thương 2017.
Giấy chứng nhận đầu tư không cần thể hiện Hs code như cũ mà chỉ cần thể hiện nội dung: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn các mặt hàng không thuộc danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hoặc không được phân phối theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc không thuộc diện hạn chế theo cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo điều 5 và điều 7 luật quản lý ngoại thương 2017”. Mã ngành: 4690
Giấy đăng ký kinh doanh: Đối với các trường hợp phải cấp giấy phép kinh doanh để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa theo quy định tại khoản 1 điều 5 nghị định 09/2018/NĐ-CP của chính phủ về quy định chi tiết Luật thương mại và Luật quản lý ngoại thương về hoạt động mua bán hàng hóa của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư có trách nhiệm liên hệ với Sở Công Thương để thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh, giấy phép lập cơ sở bán lẻ (nếu có) theo đúng quy định (trừ các trường hợp không phải cấp phép theo quy định tại điều 6, điều 50 nghị định số: 09/2018/NĐ-CP).

h. Khoản 8 điều 30 nghị định 82/2018/NĐ-CP
Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều này nếu đáp ứng được các điều kiện tại khoản 2 Điều này, được thành lập trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và hạch toán phụ thuộc vào doanh nghiệp chế xuất.
8. Thủ tục kiểm tra, xác nhận khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư đăng ký doanh nghiệp chế xuất theo khoản 2 điều 28a nghị định 18/2021/NĐ-CP.
Thủ tục kiểm tra, xác nhận khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất, nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư đăng ký doanh nghiệp chế xuất căn cứ quy định tại khoản 2 điều 28a nghị định 18/2021/NĐ-CP, được hướng dẫn bởi khoản 1 mục V Công văn 2687/TCHQ-TXNK năm 2021.

Chia sẻ từ anh Phạm Thành Nam

Công ty TNHH Giải Pháp XNK Minh Châu
 

Bài mới nhất

Tìm thành viên

Top