Tâm sự Tính cách của bạn hợp với công việc nào trong công ty Logistics

luuvanbi

Well-Known Member
Bài viết
330
Reaction score
413
Bài viết phân tích một số vị trí điển hình trong ngành Logistics và tính cách phù hợp với công việc đó.
Anh đã từng nhìn thấy nhiều bạn trẻ chọn sai một ngành nghề hoàn toàn không hợp với tính cách của bạn. Mối nghiệt duyên ngang trái ấy thường là diễn ra trong nước mắt và kết thúc bằng hao phí mấy năm cuộc đời để…làm lại từ đầu….

Viết cho ai?
Bài viết này dành cho các bạn học sinh, sinh viên (tuổi từ 18-24) yêu thích ngành Logistics nhưng vẫn còn phân vân không biết mình nên chọn công việc nào trong ngành.

Viết để làm gì?
Tìm được một công việc phù hợp với tính cách của bản thân là điều cực kì may mắn. Nếu bản tính phù hợp, chúng ta sẽ thấy hạnh phúc khi đi làm. Tính cách phù hợp với công việc, chúng ta cũng ít phải cố gắng sửa đổi bản thân, được là chính mình. Mà như thế thì thăng tiến sẽ nhanh hơn.

Viết như thế nào?
Viết từ góc nhìn của một người đã làm 10 năm trong ngành Logistics, từng là Quản lý của 3 cty Logistics tại Cambodia, Laos, Myanmar, quản lý Sales & Marketing phụ trách thị trường HCM và HN của 1 cty Logistics Đức. Vì quản lý nhiều phòng ban, nhờ vậy mà phần nào đó hiểu được từng phòng ban của cty Logistics. Viết 1 cách gần gũi dễ hiểu nhất có thể với giọng văn phù hợp giới trẻ.

---------------------------------------------------

1. NHÂN VIÊN OPERATIONS (NHÂN VIÊN VẬN HÀNH) Ở CTY LOGISTICS ĐA QUỐC GIA (MNCS).

Các bạn lưu ý 1 xíu là, các cty nước ngoài định nghĩa nhân viên Operations hoàn toàn khác với các cty Việt Nam. Cùng là Operations Executive nhưng công việc khác xa lắm. Tí nữa ở phần Nhân viên giao nhận hiện trường (Customs Clearance Staff) anh sẽ nói rõ hơn.

Công việc chính của nhân viên Operations có thể chia ra thành 2 mảng sau:

- Documents: Nhận – Kiểm – Nhập – Chuyển (chứng từ). Tức là Nhận chứng từ, kiểm tra, nhập thông tin của lô hàng hóa vào phần mềm hệ thống, chuyển email/ chứng từ cho phòng ban khác hoặc cty đối tác liên quan. Công việc này nói chung là đơn giản và thuộc dạng cơ bản nhất trong 1 cty Logistics.
Tính cách cần có đối với công việc này là: Kiên nhẫn, thích sự an nhàn, và kỹ tính. Việc không phù hợp với những bạn quá năng động, tự tin vào bản thân, và muốn Impact! Công việc này bạn chẳng có Impact gì hết, cũng không có gì mới mẻ, chỉ lặp đi lặp lại thế mà thôi, rất là giản đơn, rất là chậm chạp. Như áng mây trôi từ từ qua ngày tháng trên bầu trời ngoài kia ấy. Có một loại người thích nằm cả ngày ngắm mây trôi…

May mắn là công việc này là bước đầu để đi lên các vị trí khác.

- Customers Services và Sub-contractor Management: CS - Tên gọi mỹ miều là “Dịch vụ khách hàng”. Bản chất thực sự là: Nghe chửi – Xin lỗi – Xử lý vấn đề bằng cách gọi cho thầu phụ và nghe hắn chửi tiếp.

✍️
Khách vui là khách không gọi. Khách gọi đến tức là khách không vui. Sếp sai khách chửi ta, Sales sai, khách chửi ta, bản thân khách sai khách cũng chửi ta. Cứ có vấn đề là khách chửi. Chửi cũng có dăm ba loại chửi, chửi văn minh, chửi sâu cay, chửi đổng, chửi mà ta để điện thoại xuống bàn 5 phút sau vẫn còn nghe tiếng chửi văng vẳng vọng về.
Làm sao để khách hết chửi? Cho khách giải pháp để giải quyết vấn đề. Cái này thì cần kiến thức. Nhưng trước khi dùng kiến thức, phải có lời xin lỗi. Cái này lại cần tâm tính.

✍️
Công việc này phù hợp với các bạn có cái tâm an yên, không sân si. Khờ một chút lại dễ làm công việc này. Ở vị trí mà ta không thể bật, vậy thì tốt nhất là bản chất ta bé lớn đừng biết bật thế lại tốt hơn. Anh từng nghe một bạn CS sau cuộc điện thoại dài với khách thì ngây ngô nhìn trời và bảo “Chị khách chửi ghê lắm, mà em cũng không biết chỉ đang chửi nhà xe hay chửi em nữa. Em không dám hỏi, thôi kệ, chửi ai cũng được”.
Nhưng cũng có một anh Operations khác, không dám xài điện thoại cảm ứng. Bởi vì lâu lâu chiếc điện thoại ấy lại bị ném vào tường. Mỗi lần bực quá, mặt anh đỏ lên, anh đi xuống tầng trệt, ra ngoài hút thuốc cho bình tĩnh lại. Mỗi lần như thế, mắt anh nhìn lung lắm, xa xôi lắm.

✍️
Éo le tình đời, cái nghề Operations ban đầu yêu cầu phải hiền và cam chịu một chút để vượt qua, nhưng sau đó nghề lại bắt phải dữ lên mới xử lý được việc. Bởi vì muốn bảo vệ khách hàng, thì phải dữ với nhà thầu phụ. Nhưng mà dữ quá, thầu họ nghỉ chơi với cty mình thì cũng chết. Cho nên, Operations kinh nghiệm thì lúc hiền như tiên, lúc lạnh như tiền. Nghề này nghe Yang hồ đồn là có vong ám, nhiều chị lâu năm không bồ, hoặc có bồ rồi thì chia tay. Không rõ lời đồn có đúng hay không, nhưng chị em Team Operations các cty cũ của anh làm đều rất xinh đẹp.

Một tính cách khác cần có để làm vững bền nghề Operations là: Thích support người khác, yêu sếp, yêu Sales, yêu công ty. Thích làm hậu phương vững chắc để các anh lính ngoài tiền tuyến vững dạ chiến đấu. Không tham lợi ích ngắn hạn và không so sánh. Vì sao bạn biết không? Vì nghề này lương chỉ đủ sống, thấp hơn các vị trí khác. Bạn nào hay nghĩ nhiều về “các cơ hội khác”, “Sao ông kia lương cao hơn mình”..v..v.. thì thường sẽ nhấp nha nhấp nhỏm, và không gắn bó lâu được.
Phải có tầm nhìn xa, ham mê học hỏi. Làm việc vì 1 ngày nhảy qua cty khách hàng (hoặc chuyển sang làm Sales, hay mở cty riêng).

2. NHÂN VIÊN GIAO NHẬN HIỆN TRƯỜNG/ GIAO NHẬN HẢI QUAN (CUSTOMS CLEARANCE STAFF):

Người sẽ thay mặt chủ hàng làm các công việc liên quan đến thủ tục hải quan xuất nhập khẩu (Gọi tắt là thông quan). Truyền tờ khai, thanh lý tờ khai, xử lý hàng luồng đỏ, tư vấn HS Code… là công việc của vị trí này.

Tính chất công việc: Chạy xe máy nhiều, “phượt thủ” nội thành; làm việc trực tiếp với hải quan, giỏi dùng “chất bôi trơn”; luật, thuế phải hiểu; Cảng và sân bay là nhà;

✍️
Vị trí này ở các cty Logistics Việt Nam gọi là OPS/ Operations. Nhưng mà các cty Logistics nước ngoài thì không gọi như thế. Như anh nói ở trên, ở các cty MNCs họ gọi vị trí Operations là nhân viên điều phối, vận hành 1 lô hàng. Nhân viên Operations ở các cty nước ngoài chỉ ngồi ở văn phòng và điều hành mọi việc từ xa, chứ không đích thân đi ra ngoài. Còn vị trí Operations ở các cty Việt Nam là người chạy ra ngoài, trực tiếp hoàn thành các thủ tục hải quan cho lô hàng.

✍️
Anh đồng ý với khái niệm của các cty Logistics nước ngoài hơn. Vì chữ Operations dịch ra là “Vận hành”.

Tính cách cần có: Không ngại khó, không ngại nắng gió, không sợ đen, không sợ xe container, tay lái vững vàng ngày đi chục cây số. Là người thực tế, không quá khắt khe về tiêu chuẩn đạo đức, hiểu được rằng cái máy nào cũng cần chất bôi trơn, không bôi thì máy nó rít, chạy rất chậm. Những bạn nào nhìn thấy các việc quan liêu mà trong bụng đã buồn nôn, kinh tởm thì khó có thể làm vị trí này.
Anh em làm nghề này thường là vui vẻ, hào sảng, trọng tình cảm bằng hữu.
Như các bạn thấy, anh gọi là “anh em”, vì ít nữ làm nghề này. Ít chứ không phải không có. Chỉ là rất ít thôi.

3. SALES LOGISTICS. KHÔNG CÓ GÌ KHÓ HIỂU, CÔNG VIỆC LÀ BÁN DỊCH VỤ LOGISTICS.

Tuy nhiên, Sales Logistics có 2 trường phái chính. 1 style đang chết dần, và 1 style đang bùng nổ, vô cùng khát nguồn nhân lực. 1 bên là chỉ bán cước bằng cách tạo mối quan hệ, bằng kỹ năng giao tiếp. 1 bên là Consultant Sales.
Vì bài đã quá dài, anh xin được để dành vị trí Sales này cho bài sau nha….

(To be continued).
Nguồn: Huỳnh Song Kha
 

Tìm thành viên

Top