Chia sẻ Sự liên quan giữa vận đơn, thư tín dụng, các chứng từ liên quan và con đường đến với tù giam

Oscar Le

Moderator
Bài viết
1,850
Reaction score
1,385
Bài viết “Bài học kinh nghiệm từ một thương vụ” đăng trên Tạp chí Ngân hàng số 6/2003 là một bài viết nhạy cảm liên quan đến một vụ án đang được xét xử lúc bấy giờ.

Bài viết này sau đó được nhiều cán bộ ngân hàng, đặc biệt là NHNNo & PTNT quan tâm hỏi xin để nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hữu Đức.

'' BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ MỘT THƯƠNG VỤ''

Liên quan đến vụ làm thất thoát 10.000 tấn phân u-rê trị giá 1.451.935,75USD, cuối tháng 9/2002 cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự đối với Sở giao dịch I - Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (SGD I – NHNNo & PTNT) và Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp 3, Chi nhánh Hà Nội (Centrimex) và sau đó tiếp tục khởi tố bị can đối với ba cán bộ, trong đó hai người thuộc SGD I – NHNNo & PTNT và một người thuộc Centrimex.

Đã có không ít những bài báo phản ánh về vụ việc này, trong đó có bài quy trách nhiệm hoàn toàn cho SGD I – NHNNo & PTNT và cũng có bài quy trách nhiệm cho Centrimex. Trong bài viết này, dựa vào một số cứ liệu của các tác giả đã đăng trên các báo, chúng tôi cố gắng đứng ở một góc độ khách quan nhất để nhìn nhận sự việc, mạnh dạn phân tích một số vấn đề liên quan đến các bên hữu quan trong vụ án này và rút ra những bài học kinh nghiệm cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.
  • TÓM TẮT SỰ VIỆC
Ngày 19/7/2000 theo yêu cầu của Centrimex, SGD I- NHNNo & PTNT đã mở LC số LN/SGD I-00/071 trị giá khoảng 1.450.000USD để nhập khoảng 10.000 tấn phân u-rê, người thụ hưởng LC là Công ty Helm (Đức).

Ngày 2/10/2000 nhận được chứng từ do Ngân hàng BHF xuất trình, SGD I- NHNNo & PTNT tiến hành kiểm tra và phát hiện một số sai sót: (i) Hối phiếu ghi sai số tiền bằng chữ và không ghi tên của người thụ trái (drawee); (ii) Vận đơn không ghi chú ngày xếp hàng lên tàu.

Ngày 3/10/2000 SGD I- NHNNo & PTNT thông báo sai sót cho Centrimex.

Cùng ngày Centrimex gửi công văn số 81/HN cho SGD I- NHNNo & PTNT về việc từ chối thanh toán LC, trong đó nêu thêm một số sai sót nữa: (i) Ngày và số hợp đồng ghi trên chứng từ không đúng; (ii) Điều kiện giao hàng CNF FO không phù hợp với Incoterm 200; (iii) Lịch trình chạy tàu không đúng như Công ty Helm thông báo trước đó cho Centrimex. Sau này Centrimex còn gửi them công văn số 89/HN ngày 13/10/2000 và công văn số 47/HN ngày 19/10/2000 tiếp tục từ chối thanh toán LC.

Ngày 4/10/2000 SGD I- NHNNo & PTNT thông báo cho Ngân hàng BHF biết rằng Centrimex từ chối thanh toán LC do bộ chứng từ xuất trình có sai sót (vận đơn và hối phiếu). Tuy nhiên, Ngân hàng BHF không chấp nhận những sai sót chứng từ do SGD I – NHNNo & PTNT nêu ra và yêu cầu SGD I – NHNNo & PTNT thực hiện thanh toán.

Ngày 13//10/2000 Bộ Thương mại có công văn về việc tạm ngưng thanh toán đối với LC số LC/SGD I-00/071.
Ngày 18/10/2000 Ngân hàng BHF thông báo cho SGD I- NHNNo & PTNT rằng họ đã phong toả tài khoản của SGD I- NHNNo & PTNT.

Ngày 2/11/2000 Ngân hàng BHF tự động trích tài khoản của SGD I- NHNNo & PTNT với số tiền 1.451.935,75USD để thu hồi tiền hàng theo LC. Ngoài ra, Ngân hàng BHF còn phạt SGD I - NHNNo & PTNT 10.162USD vì lỗi chậm thanh toán. SGD I – NHNNo & PTNT chấp nhận thanh toán cho Ngân hàng BHF và ghi nợ tài khoản vay bắt buộc đối với Centrimex.

Ngày 19/10/2000 do hơn một tháng lưu tại cảng Sài gòn nhưng không ai đứng ra nhận hàng, tàu Dewan I rời khỏi cảng Việt Nam về Pakistan cùng với 10.000 tấn phân u-rê và yêu cầu toà án Pakistan cho phép thanh lý lô hàng để thu hồi chi phí.

Ngày 26/1/2001 toà án Pakistan ra quyết định ra lệnh trả lại con tàu cùng với hàng hoá để các bên giải quyết tiếp. Tuy nhiên, Đoàn đại diện Việt Nam (SGD I – NHNNo & PTNT và Centrimex) đã không đạt được thoả thuận với chủ tàu trong việc đưa tàu Dewan I quay trở lại Việt Nam vì Centrimex ngại chi phí tốn kém. Đoàn đại diện Việt Nam ra về tay không. Sau đó toà án Pakistan cho phép chủ tàu thanh lý lô hàng để trang trải chi phí.
  • PHÂN TÍCH SỰ VIỆC VÀ RÚT RA NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM
□ Những sai sót của các chứng từ và thông báo từ chối
(a) Một số sai sót do Centrimex nêu bổ sung là hoàn toàn ngoài LC, do đó, không cấu thành lý do để từ chối thanh toán. Như vậy, thông báo từ chối của SGD I – NHNNo & PTNT gửi cho Ngân hàng BHF không nêu những sai sót chứng từ do Centrimex phát hiện bổ sung là đúng.

(b) Sai sót trên hối phiếu: Việc hối phiếu có phải là một chứng từ giống như các chứng từ khác được yêu cầu xuất trình theo LC hay không và những sai sót liên quan đến hối phiếu có cấu thành lý do để từ chối thanh toán hay không là vấn đề hiện nay vẫn còn có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Các ngân hàng ngày nay thiên về xu hướng không xem hối phiếu là một chứng từ giống như các chứng từ khác, cũng như không xem sai sót liên quan đến hối phiếu là lý do để từ chối thanh toán. Cũng xin lưu ý rằng LC được phát hành bằng SWIFT MT 700 do đó hối phiếu xuất hiện ở Field 42C (Draft at) và các Field 41C (Available with), 42A (Drawee) chứ không được thể hiện ở Field 46A (Documents required). Như vậy, hối phiếu trong trường hợp này không đóng vai trò như một chứng từ được yêu cầu xuất trình ở Field 46A. Về vấn đề này chúng tôi cũng đã có dịp đề cập sâu hơn trong bài “Một số lưu ý về việc sử dụng hối phiếu trong thư tín dụng” đăng trên Tạp chí Ngân hàng số Chuyên đề số 2001. (Để rõ hơn về việc hối phiếu có phải là chứng từ được yêu cầu xuất trình theo LC, bạn đọc cũng có thể xem thêm bài “Trao đổi một số vấn đề liên quan đến hối phiếu” (trao đổi giữa tôi và PGS TS Nguyễn Văn Tiến) đã được đăng trên Tạp chí Ngân hàng năm 2006).

(c) Sai sót trên vận đơn: Vận đơn không ghi chú ngày xếp hàng lên tàu.

Tác giả Võ Văn Tạo trong bài “Cái sảy nảy cái ung” đăng trên Thời báo Kinh tế Sài gòn cho rằng … (mặc dù) phát hiện lỗi cơ bản trên vận đơn, chứng từ quan trọng nhất trong bộ chứng từ, Centrimex đã tuyên bố từ chối thanh toán. Đáng lẽ, trong trường hợp này, SGD I – NHNNo & PTNT trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ khi nhận bộ chứng từ phải trả lời từ chối chứng từ cho phía người bán biết, nêu rõ những điểm không phù hợp của bộ chứng từ và cũng phải nêu rõ mình đang giữ chứng từ để chờ người xuất trình định đoạt hoặc để chuyển trả lại cho người xuất trình … Thế nhưng họ đã không xử lý như vậy.”

Chúng tôi không biết tác giả Võ Văn Tạo có trực tiếp cầm trên tay vận đơn để kiểm tra hay không để khẳng định vận đơn không ghi chú ngày xếp hàng lên tàu là lỗi cơ bản. Chúng tôi muốn lưu ý rằng Điều 23(a) (ii) UCP 500 có quy định: “… Việc bốc hàng lên hoặc xếp lên một con tàu đích danh có thể được ghi bởi chữ in sẵn trên vận đơn là hàng hoá được bốc lên một con tàu đích danh hoặc xếp lên một con tàu đích danh, trong trường hợp này, ngày phát hành vận đơn sẽ được xem như là ngày bốc hàng lên tàu và xếp hàng”. Như vậy, nếu vận đơn xuất trình có in sẵn nội dung “Shipped on board the vessel named above in good order and condition …” ở gần ô nơi ngày phát hành của vận đơn, thì có thể xem vận đơn là hợp lệ, trong trường hợp này, ngày phát hành được xem như là ngày xếp hàng lên tàu.

Mặc dù không trực tiếp cầm vận đơn trong tay nhưng chúng tôi đoan chắc rằng vận đơn xuất trình có in sẵn nội dung trên nên Ngân hàng BHF mới có cơ sở bác bỏ sai sót do SGD I – NHNNo & PTNT nêu trong điện từ chối. Về thông báo từ chối, Điều 14(d) (i) và (ii) quy định thông báo từ chối các chứng từ phải thực hiện không chậm hơn thời điểm kết thúc ngày làm việc thứ bảy kể từ ngày nhận các chứng từ và phải nêu rõ tất cả những điểm bất hợp lệ và ghi rõ việc ngân hàng có hay không đang giữ các chứng từ chờ sự định đoạt của người xuất trình hoặc đang gửi trả lại người xuất trình.
Theo tóm tắt sự kiện mà chúng tôi thu thập được trên đây, có thể khẳng định rằng SGD I - NHNNo & PTNT đã thực hiện thông báo từ chối cho Ngân hàng BHF đúng thời hạn quy định tại Điều 13 và 14 UCP 500.

Do không trực tiếp xem bức điện từ chối ngày 4/10/2000 của SGD I – NHNNo & PTNT gửi cho Ngân hàng BHF nên chúng tôi không chắc SGD I – NHNNo & PTNT có thực hiện điều này hay không nhưng nếu như SGD I – NHNNo & PTNTdùng mẫu điện SWIFT MT734 Advice of Refusal để thông báo cho Ngân hàng BHF về việc từ chối chứng từ thì chắc chắn họ đã thực hiện đúng quy định này vì mẫu điện MT734 có Field 77J: Discrepancies (Các sai sót) và Field 77B: Disposal ò Documents (Định đoạt chứng từ). Đây là hai trường (field) bắt buộc thanh toán viên phải ghi các sai sót và nội dung định đoạt chứng từ, nếu không ghi, máy sẽ không chấp nhận và báo lỗi. Cũng xin lưu ý rằng nội dung ghi ở Field 77B rất ít khi thay đổi và hầu như các thanh toán viên đều luôn nhớ nằm lòng như sau: “Chúng tôi đang giữ bộ chứng từ chờ sự định đoạt của quý vị … (We are holding the documents at your disposal…). Rất hiếm khi câu: “Chúng tôi đang gửi trả lại bộ chứng từ cho quý vị …” (We are returning the documents to you …} được sử dụng bởi vì trong thực tế việc từ chối thanh toán hẳn và gửi trả lại chứng từ rất ít khi xảy ra, chỉ chiếm tỷ lệ không quá 0,4%.

Thực tế, việc SGD I – NHNNo & PTNT có ghi nội dung trên hay không cũng không cần thiết nữa vì những sai sót do SGD I – NHNNo & PTNT nêu ra không thuyết phục và đã bị Ngân hàng BHF bác bỏ. Như vậy, chứng từ được xem là phù hợp với các điều khoản và điều kiện của LC và theo Điều 9 UCP 500, SGD I – NHNNo & PTNT có trách nhiệm thanh toán cho Ngân hàng BHF (vì Ngân hàng BHF đã thực hiện chiết khấu miễn truy đòi đối với bộ chứng từ của Công ty Helm) và dĩ nhiên, không thể gửi trả lại bộ chứng từ cho Ngân hàng BHF mà sẽ chuyển giao bộ chứng từ đã ký hậu vận đơn cho Centrimex để Centrimex làm thủ tục nhận hàng.

Về việc kiểm tra chứng từ và thông báo từ chối, qua vụ việc của SGD I – NHNNo & PTNT chúng tôi rút ra những bài học kinh nghiệm sau đây:​

(i) Cán bộ nhân viên nghiệp vụ thực hành kiểm tra chứng từ theo LC phải đọc và hiểu đúng tinh thần của UCP 500, tham khảo các tài liệu, ý kiến của Uỷ ban Ngân hàng ICC như Opinions of ICC Banking Commission và nghiên cứu các sách hướng dẫn thực hành kiểm tra chứng từ chẳng hạn như Standard Banking Practice for the Examination of Letter of Credit Documents, là cuốn cẩm nang được nhiều ngân hàng sử dụng … để có thể giúp khách hàng lập chứng từ phù hợp cũng như giúp phát hiện đúng, chính xác những sai sót chứng từ … tránh những tranh chấp đáng tiếc tương tự xảy ra.

(ii) Đừng quá vị nể khách hàng của mình (trong thực tế rất thường xảy ra) mà cố tình tìm những “cái bị cho là sai sót” (alleged discrepancies) của chứng từ nhằm mục đích trì hoãn thanh toán cho đến khi hàng về đến cảng hoặc cho đến khi biết chắc được chất lượng của hàng hoá … Biết đâu khách hàng nhập khẩu lại có thể lợi dụng những sai sót này mà từ chối thanh toán chứng từ giống như Centrimex, trong khi đó những sai sót này lại bị ngân hàng xuất trình/người thụ hưởng bác bỏ.
  • BỘ THƯƠNG MẠI CÓ THỂ RA LỆNH CHO NGÂN HÀNG TẠM NGỪNG THANH TOÁN?
Chúng tôi cho rằng công văn của Bộ Thương mại không đủ cơ sở pháp lý để buộc SGD I – NHNNo & PTNT thực hiện và nếu SGD I – NHNNo & PTNT thực hiện theo tinh thần của công văn này thì phía nước ngoài vẫn không chấp nhận. Có một thực tế cần lưu ý là luật của nước sở tại (luật địa phương – local law) luôn chiếm ưu thế đối với UCP 500. Điều này đúng ở mọi quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, trong trường hợp này chỉ có lệnh của tào án, chứ không phải của Bộ Thương mại, mới đủ cơ sở pháp lý cho ngân hàng thực hiện tạm ngừng thanh toán. Việc Bộ Thương mại khi chưa xem xét kỹ vấn đề đã vội vã gửi công văn đề nghị ngân hàng tạm ngừng thanh toán cũng có thể là nguyên nhân khiến Cenmtrrimẽ tin rằng họ đã hành động đúng cho nên họ đã một mực từ chối không nhận hàng (?).

Mặc dù các ngân hàng thực hành thanh toán bằng LC sẽ căn cứ vào UCP 500 để thực hiện nhưng một khi nhận được lệnh của toà án, họ không thể không tuân theo. Do vậy, bài học kinh nghiệm ở đây là nếu khách hàng muốn ngân hàng ngừng thanh toán cho nước ngoài, chỉ có một cách duy nhất là phải có lệnh của toà án gửi cho ngân hàng trước khi việc thanh toán được thực hiện.

SGD I – NHNNo & PTNT hay CENTRIMEX CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ VIỆC MẤT TRẮNG 1.451.935,75USD?
Trong trường hợp cụ thể của SGD I – NHNNo & PTNT và Centrimex, câu trả lời là cả hai nhưng trước hết là trách nhiệm của Centrimex.

Chúng tôi không đồng ý với quan điểm của một số tác giả cho rằng ngân hàng cầm giữ chứng từ, do vậy, ngân hàng là chủ sở hữu lô hàng và ngân hàng phải có trách nhiệm nhận hàng. Cách hiểu lệch lạc này thật khó chấp nhận. Vận đơn có thể được lập theo lệnh của ngân hàng phát hành LC nhưng điều đó không có nghĩa ngân hàng phát hành LC là chủ sở hữu lô hàng. Đây chỉ là kỹ thuật được ngân hàng phát hành LC áp dụng trong trường hợp LC thanh toán bằng vốn vay hoặc bằng vốn tự có miễn ký quỹ một phần hoặc toàn bộ nhằm mục đích quản lý lô hàng cho đến khi các thủ tục về nguồn vốn thanh toán được giải quyết xong. Khi nhận được bộ chứng từ phù hợp hoặc chứng từ có sai sót nhưng được người yêu cầu mở LC chấp nhận thanh toán, ngân hàng phát hành sẽ giao bộ chứng từ, trong đó có vận đơn được ngân hàng phát hành ký hậu cho người yêu cầu mở LC/nhà nhập khẩu để nhận hàng. Như vậy, trong trường hợp này phải hiểu chính nhà nhập khẩu Centrimex là chủ sở hữu đích thực của lô hàng.

Như phân tích ở trên, bộ chứng từ xuất trình xem như là phù hợp với các điều khoản và điều kiện của LC, do vậy, SGD I – NHNNo & PTNT là ngân hàng phát hành LC có trách nhiệm thanh toán cho người thụ hưởng LC như đã cam kết, phù hợp với quy định tại Điều 2 và Điều 9 UCP 500. Centrimex không phải là một bên tham gia trực tiếp vào (hợp đồng) LC nhưng Centrimex có quan hệ hợp đồng với SGD I – NHNNo & PTNT liên quan đến việc mở LC. Căn cứ cam kết của Centrimex trong Đơn yêu cầu mở LC nhập khẩu u-rê bằng vốn vay và căn cứ hợp đồng giữa SGD I – NHNNo & PTNT và Centrimex thì Centrimex có nghĩa vụ phải nhận nợ vay với SGD I – NHNNo & PTNT để thanh toán cho nước ngoài và nhận chứng từ làm thủ tục nhận hàng. Tuy nhiên, điều này thực tế đã không xảy ra.

Chúng tôi được biết nếu Centrimex chấp nhận thanh toán chứng từ và tiếp nhận lô hàng thì khả năng có thể bị lỗ lớn vì tại thời điểm đó phân u-rê trong nước liên tục rớt giá trong khi thị trường đầu ra chính là đồng bằng sông Cửu Long lại đang bị ngập lụt. Chính vì vậy, Centrimex trước sau như một vẫn bám vào những “cái bị cho là sai sót” không chịu nhận nợ vay để thanh toán nước ngoài và tiếp nhận hàng. Việc Centrimex dựa vào những “cái bị cho là sai sót” không được ngân hàng nước ngoài chấp nhận và dựa vào những sai sót (do chính mình đặt ra) ngoài các điều khoản và điều kiện LC để từ chối không nhận chứng từ, không nhận hàng là hành động cố ý làm trái, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Theo chúng tôi, Centrimex phải chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về vấn đề này.

Trong chừng mực nào đó, dưới góc độ là ngân hàng tài trợ nhập khẩu, SGD I – NHNNo & PTNT cũng phải chịu một phần trách nhiệm trong việc để tàu Dewan I rời cảng Việt Nam mang theo toàn bộ 10.000 tấn phân u-rê và đã thanh lý lô hàng để trang trải chi phí phát sinh từ việc phía Việt Nam không nhận hàng. Với tư cách là ngân hàng cho vay, theo nguyên tắc món vay phải có vật tư, hàng hoá bảo đảm, SGD I – NHNNo & PTNT lẽ ra phải có biện pháp quản lý lô hàng để có thể thu nợ. Tuy nhiên, SGD I – NHNNo & PTNT đã quên mất điều đó và không chịu hiểu rằng việc mất trắng lô hàng trị giá 1.451.935,75USD chắc chắn sẽ dẫn đến việc Centrimex sẽ không bao giờ trả được nợ dù toà án có phán quyết thế nào đi nữa. Theo chúng tôi, cách làm giảm thiệt hại nhất là SGD I – NHNNo & PTNT nên đứng ra nhận hàng thay cho Centrimex để bảo đảm rằng món vay ít ra cũng có vật tư, hàng hoá bảo đảm cho việc thu hồi vốn cho vay, còn Centrimex sẽ phải chịu trách nhiệm tài chính đối với SGD I – NHNNo & PTNT nếu như giá trị lô hàng tại thời điểm không đủ trả nợ vay và các chi phí phát sinh. Nếu như SGD I – NHNNo & PTNT đã thực hiện nhận hàng thì chắc bây giờ SGD I – NHNNo & PTNT không phải mất đến hai cán bộ và không phải mất nhiều thứ khác nữa. Về sau dường như SGD I – NHNNo & PTNT đã nhận thức được hậu quả và tìm cách khắc phục bằng cách cùng với Centrimex sang Pakistan để thương lượng đưa hàng về Việt Nam nhưng tiếc thay một lần nữa Centrimex từ chối phương án đưa hàng về vì sợ tốn thêm chi phí.

Việc để tàu Dewan I rời cảng Việt Nam mang theo toàn bộ lô hàng là trách nhiệm của cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Nếu cả hai biết kiềm chế, biết lắng nghe và biết hợp tác thay vì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau thì sẽ không có sai lầm ngô nghê như thế này trong mua bán ngoại thương. Bài học này cần được phổ biến rộng rãi đến các doanh nghiệp và các ngân hàng để cùng rút kinh nghiệm, tránh những tổn thất tương tự trong tương lai./.

Nguồn: Ng Linh Ng
 

Tìm thành viên

Top