Chia sẻ Sự khác nhau giữa Insurance Policy (Đơn bảo hiểm) và Insurace Certificate (Giấy chứng nhận bảo hiểm)

Oscar Le

Moderator
Bài viết
1,850
Reaction score
1,385
Thông thường, một hợp đồng bảo hiểm giữa người bảo hiểm và người được bảo hiểm được thể hiện bằng Đơn bảo hiểm hay Giấy chứng nhận bảo hiểm do Công ty bảo hiểm cấp. Đơn bảo hiểm và Giấy chứng nhận bảo hiểm đều có giá trị pháp lí như nhau nhưng về hình thức và cách sử dụng có khác nhau đôi chút.

1. Đơn bảo hiểm (Insurance Policy)

Chính là một hợp đồng bảo hiểm chuyến đầy đủ. Nội dung gồm hai mặt: mặt trước thường ghi các chi tiết về hàng, tàu, hành trình. Mặt sau thường ghi các điều lệ hay qui tắc của Công ty bảo hiểm.

Nội dung của một Đơn bảo hiểm chủ yếu bao gồm:

Ngày cấp đơn bảo hiểm, nơi kí kết HỢP ĐỒNG BẢO HIỂM
Tên và địa chỉ của người mua bảo hiểm
Tên hàng được bảo hiểm, số lượng và trọng lượng của hàng
Qui cách đóng gói, loại bao bì và kí mã hiệu của hàng
Tên tàu hoặc phương tiện vận chuyển hàng
Cách xếp hàng trên tàu
Cảng khởi hành, cảng chuyển tải và cảng cuối, ngày tàu khởi hành
Giá trị bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm, phí bảo hiểm
Địa chỉ của giám định viên bảo hiểm
Phương thức và địa điểm trả tiền bồi thường, do người được bảo hiểm chọn.

2. Giấy chứng nhận bảo hiểm (Insurance Certificate = Certificate of Insurance)

Là chứng từ do người bảo hiểm cấp cho người được bảo hiểm để xác nhận hàng hóa đã được mua bảo hiểm theo điều kiện của hợp đồng bảo hiểm.

3. Sự khác nhau giữa Insurance Policy và Insurance Certificate.

- Điểm khác biệt thứ nhất giữa Insurance Policy và Insurance Certificate là về mặt nội dung.

Nội dung của Insurance policy là một dạng hợp đồng đầy đủ giữa người bảo hiểm với người được bảo hiểm, nó thể hiện đầy đủ các nguyên tắc, điều kiện bảo hiểm, thời hiệu, mức phí, khấu trừ… Nội dung của giấy chứng nhận bảo hiểm chỉ bao gồm điều khoản nói lên đối tượng được bảo hiểm, các chi tiết cần thiết cho việc tính toán phí bảo hiểm và điều kiện bảo hiểm đã thỏa thuận. Hay nói cách khác, nó là bằng chứng thể hiện sự tồn tại của thoả thuận bảo hiểm theo điều kiện nào đó. Trên một Insurance Certificate thường chỉ thể hiện một số nội dung cốt lõi của thoả thuận bảo hiểm, thí dụ: thời hiệu, hình thức, giá trị bảo hiểm… mà không bao gồm các chi tiết thoả thuận cụ thể, đầu đủ của một hợp đồng bảo hiểm như Insurance Policy thể hiện.

- Điểm khác biệt thứ hai giữa Insurance Policy và Insurance Certificate là tính chuyển nhượng

Insurance Policy bản gốc có chức năng chuyển nhượng được. Cụ thể là khi người xuất khẩu là người mua bảo hiểm, người này có thể thực hiện việc ký hậu trên mặt sau của Insurance Policy, gửi cho người nhập khẩu thì người nhập khẩu sẽ trở thành người được bảo hiểm và thụ hưởng số tiền bồi thường nếu có tổn thất xảy ra. Do vậy, đa số các thoả thuận bảo hiểm đều thể hiện ở dưới dạng Insurance Policy để thuận tiện cho hai bên mua bán. Còn một Insurance Certificate dù là bản gốc, cơ bản không có giá trị chuyển nhượng.

- Điểm khác biệt thứ ba giữa Insurance Policy và Insurance Certificate là giá trị pháp lý.

Cả Insurance Policy và Insurance Certificate đều có giá trị trong việc đòi bồi thường và xử lý tranh chấp tại cấp tòa án. Về bản chất của công việc nghiệp vụ, Insurance Certificate tương đương với Insurance Policy nhưng xét về mặt pháp lý, Insurance Certificate không mạnh và chặt như một Insurance Policy, và một bản Insurance Certificate thuần tuý (không tích hợp đầy đủ nội dung và chức năng của Insurance Policy) thì không có giá trị đầy đủ trong việc xử lý tranh chấp, khiếu nại pháp lý. Khi đó, để giải quyết tranh chấp, phải kết hợp với Insurance Policy.
  • Vậy khi nào công ty bảo hiểm phát hành Insurance Policy, khi nào phát hành Insurance Certificate?
Trong thực tế, điều này phụ thuộc vào yêu cầu của người được bảo hiểm và thực tiễn của việc mua bán. Nếu lô hàng được bảo hiểm là chuyến một, không giao hàng từng phần, không giao hàng nhiều lần, thì thường người mua bảo hiểm sẽ muốn công ty bảo hiểm cấp Insurance Policy vì những tiện ích liên quan đến nội dụng, tính chuyển nhượng và tính pháp lý như đã trình bày. Nếu lô hàng là giao nhiều lần, giao từng phần, thì công ty bảo hiểm đôi khi sẽ cấp chứng từ dưới tên Insurance Certificate, khi đó người mua bảo hiểm nên yêu cầu chứng thư này phải tích hợp đầy đủ nội dung như một Insurance Policy. Đặc biệt, trong trường hợp L/C yêu cầu các bên sử dụng Insurance Policy thì việc sử dụng Insurance Certificate không có giá trị thanh toán; ngược lại nếu L/C chấp nhận Insurnace Certificate thì các bên cứ mặc nhiên sử dụng mà không cần nghi ngại.

Còn một loại chứng từ bảo hiểm ít gặp nữa, đó là Insurance Cover Note: Giấy báo xác nhận bảo hiểm hay Phiếu xác nhận bảo hiểm tạm thời.

Đây là giấy tờ do công ty bảo hiểm hay môi giới bảo hiểm cấp, đảm bảo sẽ bảo hiểm cho đối tượng nào đó, hoặc xác nhận việc bảo hiểm chính thức có hiệu lực, tuy nhiên các nguyên tắc bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm tại thời điểm thoả thuận vẫn chưa được các bên thống nhất, hoặc đã thống nhất sơ bộ nhưng cần có thời gian để lập Insurance Policy. Khi khách hàng đề nghị bảo hiểm và đề nghị bảo hiểm này được chấp nhận thì Công ty bảo hiểm sẽ lập và gửi Phiếu xác nhận bảo hiểm tạm thời để làm bằng chứng. Sau đó sẽ phát hành một hợp đồng bảo hiểm chính thức. Insurance Cover Note giống như một biên bản/Thoả thuận ghi nhớ về việc bảo hiểm vậy.

Insurance Cover Note thường có giá trị làm vật thay thế tạm thời trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu hiệu lực bảo hiểm đến lúc cấp Insurance Policy chính thức. Khoảng thời gian này thường có giá trị tối đa là một tháng. Thỏa thuận bảo hiểm này thường được phát hành trong trường hợp bảo hiểm từ kho tới kho, khi đó hiệu lực và quãng đường bảo hiểm đã bắt đầu, trong khi người mua bảo hiểm chưa thể cung cấp vận đơn nháp để công ty bảo hiểm phát hành Insurance Policy chính thức.

Chân thành chia sẻ.
Nguồn: Lê Sài Gòn
 

Thành Minh Trí

Active Member
Bài viết
116
Reaction score
106
Khi mở LC ngân hàng cũng chú ý đến vấn đề khá hay ho này. Trong LC yêu cầu xuất trình Insurance Policy mà sau trong bộ chứng từ lại xuất trình Insurance Certificate là bị không phù hợp luôn. Có thể hiểu nôm na Insurance Policy "mạnh hơn" Insurance Certificate :D

1 trường hợp tương tự cũng liên quan đến bảo hiểm là 2 khái niệm "all risk" và "clause A" -> clause A "mạnh hơn" all risk
 

Tìm thành viên

Top