Chia sẻ PHÂN BIỆT Clean L/C và Documentary L/C

luuvanbi

Well-Known Member
Bài viết
330
Reaction score
413
BÀI VIẾT CHUYÊN MÔN - Tác giả: Ths. Lê Sài Gòn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn XNK SÀI GÒN -SIMEX

PHÂN BIỆT Clean L/C – Thư tín dụng Trơn – Thư tín dụng sử dụng trong Tín dụng Trơn và Documentary L/C – Thư tín dụng sử dụng trong tín dụng Chứng từ trong giao dịch quốc tế
----------------

1. Documentary L/C – Thư tín dụng sử dụng trong tín dụng Chứng từ

- Hay còn gọi là Thư tín dụng L/C Kèm chứng từ. Là thư loại thư tín dụng mà trong đó, ngân hàng Mở L/C sẽ yêu cầu người Xuất khẩu phải xuất trình đầy đủ bộ chứng từ đầy đủ của lô hàng, gồm: các chứng từ thương mại (hóa đơn, packing list, vận đơn, CO…) và/hoặc các chứng từ tài chính (hối phiếu), cùng các chứng từ khác cho ngân hàng Mở, thì ngân hàng này mới thanh toán tiền cho người XK. Việc quy định này nhằm giúp cho ngân hàng Mở trở thành người sở hữu hợp pháp Bộ chứng từ/lô hàng – trước khi bàn giao Bộ chứng từ cho người Nhập khẩu nhận hàng. Ngân hàng kiểm soát và khống chế bộ chứng từ, chỉ khi nào người nhập khẩu trả tiền đầy đủ (hoặc ký nhận nợ Hối phiếu) cho ngân hàng Mở, thì ngân hàng này mới giao chứng từ cho người nhập khẩu. Do vậy, L/C này đảm bảo an toàn cho ngân hàng Mở.
- Người xuất khẩu sẽ không gửi bất cứ chứng từ nào trong các chứng từ kể trên cho người người nhập khẩu, nhất là vận đơn.
- Đặc biệt trong trường hợp người nhập khẩu không ký quỹ, ký quỹ rất ít hoặc mở L/C bằng vốn vay ngân hàng, ngân hàng thường sẽ phát hành loại L/C này để đảm bảo quyền lợi của mình.

2. Clean L/C – Thư tín dụng Trơn – Thư tín dụng sử dụng trong Tín dụng Trơn

Hay còn gọi là Thư tín dụng không kèm chứng từ. Là thư loại thư tín dụng mà trong đó, ngân hàng Mở L/C sẽ yêu cầu người Xuất khẩu gửi trực tiếp bộ chứng từ đầy đủ của lô hàng, gồm: các chứng từ thương mại (hóa đơn, packing list, vận đơn, C/O…) và/hoặc các chứng từ tài chính (hối phiếu), cùng các chứng từ khác… đến cho người nhập khẩu, để người nhập khẩu có thể nhận hàng. Ngân hàng Mở chỉ yêu cầu người bán gửi cho ngân hàng một số giấy tờ cần thiết như: bản copy của bộ chứng từ gốc, Airway Bill của việc gửi chứng từ gốc cho người nhập khẩu… (để minh chứng rằng người xuất khẩu đã gửi Bộ chứng từ cho người nhập khẩu) thì ngân hàng sẽ thanh toán tiền hàng cho người xuất khẩu.

Cần nhớ, loại L/C này không làm thay đổi bản chất của phương thức tín dụng. Đó là, dù bộ chứng từ về tay người người nhập khẩu (người nhập khẩu có thể nhận hàng), nhưng bên trả tiền cho người xuất khẩu vẫn là ngân hàng Mở. Nếu sau đó người nhập khẩu không trả tiền cho ngân hàng Mở. Ngân hàng Mở sẽ rất rủi ro.

Vậy khi nào ngân hàng Mở chấp nhận Mở loại L/C này? Dễ hiểu, đó là khi ngân hàng Mở không phải lo lắng về rủi ro ‘người nhập khẩu không thanh toán tiền cho ngân hàng này’. Và đó là khi người nhập khẩu đã ký quỹ 100% trị giá tiền hàng khi mở L/C.

Đặc điểm nhận dạng của L/C này là gì?

Trên L/C, ở trường :46A – Documents Required, trường :47: Additional Conditions, và trường :78: Intructios to the Paying/Accepting/Negotiating Bank… sẽ lần lượt xuất hiện các yêu cầu của ngân hàng Mở dành cho người xuất khẩu và/hoặc ngân hàng thông báo, rằng: hãy gửi bộ chứng từ gốc về cho người nhập khẩu. Còn các chứng từ khác (tùy theo yêu cầu cụ thể của ngân hàng Mở) thì gửi cho ngân hàng Mở thì họ mới trả tiền cho người XK.

Quy trình thực hiện

Quy trình thực hiện Clean L/C – L/C Trơn gần như giống hệt Documentary L/C - L/C Chứng từ, chỉ khác nhau vài điểm đó là: (1) Khi mở L/C, ngân hàng mở thường yêu cầu người nhập khẩu ký quỹ 100% trị giá L/C; (2) Người xuất chuẩn bị ít nhất 2 ‘bộ giấy tờ’: 1 bộ giấy tờ bộ chính là bộ chứng từ hoàn chỉnh của lô hàng để gửi cho người nhập khẩu, còn 1 bộ giấy tờ còn lại chính là những giấy tờ mà ngân hàng Mở yêu cầu riêng – và được gửi cho ngân hàng này.

Lời khuyên dành cho người xuất khẩu

Đây là loại L/C, loại phương thức tính dụng mà người xuất khẩu nên đề nghị người nhập khẩu sử dụng cho việc kinh doanh của hai bên. Dễ thấy rằng, nếu sử dụng L/C này, người nhập khẩu phải có tiền để ký quỹ cho ngân hàng Mở. Người xuất khẩu được lợi ở chỗ: (i) thấy được khả năng tài chính của người nhập khẩu; (ii) lại thêm phần an toàn khi người có trách nhiệm trả tiền trước tiên cho người xuất khẩu là ngân hàng Mở; (iii) và vì người nhập khẩu ký quỹ nhiều tiền ngay từ ban đầu để mở L/C, nên họ có một quyền lực mềm nhất định trong việc tác động đến ngân hàng Mở, trong trường hợp ngân hàng này gây khó dễ hoặc từ chối thanh toán cho người xuất khẩu.

Cần lưu ý rằng, khi sử dụng loại L/C này, việc chuẩn bị chứng của người xuất khẩu có đôi chút phức tạp do phải chuẩn bị 02 bộ chứng từ: một là gửi cho người nhập khẩu, một là gửi cho ngân hàng. Do vậy, người xuất khẩu cần am hiểu chuyên môn hoặc có sự giúp sức của một ngân hàng Thông báo uy tín. Bộ chứng từ gửi cho người nhập khẩu thì thực hiện theo ý kiến và sự quyết định của người nhập khẩu (để tránh mất long); bộ chứng từ gửi cho ngân hàng Mở thì phải thực hiện theo yêu cầu và quyết định của ngân hàng Mở (để được thanh toán).

Lời khuyên dành cho người nhập khẩu

Muốn được mở L/C Trơn, ngân hàng thường yêu cầu người nhập khẩu ký quỹ cao, thậm chí 100% trị giá lô hàng. Nếu người XK muốn người NK mở L/C sớm, người nhập khẩu sẽ bị giam vốn. Trong trường hợp, người nhập khẩu ít vốn, thì ít có khả năng mở được loại L/C này.

Nếu người nhập khẩu đã chấp nhận ký quỹ cao, thì đổi lại họ phải lấy hàng nhanh/sớm khi hàng vừa cập cảng mà không phải vướng thủ tục nào với ngân hàng nữa về chứng từ. Do vậy, chí ít, vận đơn phải được lập theo mong muốn và quyền lợi của người nhập khẩu. Người nhập khẩu hãy yêu cầu người xuất khẩu xuất trình được Vận đơn đích danh hoặc, hoặc Theo lệnh người nhập khẩu (không chấp nhận Vận đơn theo lệnh người xuất khẩu hoặc vận đơn để trống)… Nếu ngân hàng Mở yêu cầu vận đơn theo lệnh của ngân hàng này, người nhập khẩu phải đấu tranh và không chấp nhận việc này, để tránh việc phải đến ngân hàng ký hậu vận đơn rồi mới nhận được hàng.

Tập quán sử dụng L/C Trơn và L/C Kèm chứng từ

Ngày nay, L/C Trơn không phải là hiếm xuất hiện. Ở Việt Nam, các ngân hàng Mở thường yêu cầu người nhập khẩu Việt Nam ký quỹ cao, nên L/C thường được thực hiện theo cách này. Với các nhà nhập khẩu có vốn mạnh, yêu cầu này không quá khó để thực hiện. Còn với các nhà nhập khẩu vốn yếu, thông thường ngân hàng sẽ cung cấp tín dụng chứng từ, tức là mở L/C Kèm Chứng từ. Khi đó, Bộ chứng từ chỉ đi theo một con đường duy nhất, là về tay ngân hàng Mở, trước khi được giao cho người nhập khẩu – sau khi người này đã thanh toán nốt tiền hàng cho ngân hàng Mở.
 

Tìm thành viên

Top