Tâm sự Người yêu em làm giao nhận (Ops)

Smile

Well-Known Member
Bài viết
292
Reaction score
392
Nếu em yêu người anh xuất nhập khẩu.
Đừng bao giờ em trách mắng thời gian.
Phải hy sinh những giây phút nồng nàn.
Đừng quên lãng bao tháng ngày xa vắng …
Giao nhận xuất nhập khẩu từ bao giờ đã trở thành một nghề trong xã hội hiện đại. Những chiếc xe tải vội vàng đi trong mưa hay những thùng container lặng lẽ bốc hàng trong đêm thâu mờ mịt. Tất cả những thứ tưởng chừng như im lìm ấy lại chính là ngành hậu cần quan trọng của toàn xã hội. Hơn ai hết, có vui có buồn, có sung sướng, có đau khổ của những con người đi làm nghề giao nhận.
Bài viết dưới đây xin chia sẻ với mọi người một số nét đạc thù về những người giao nhận ấy.

I. GIAO NHẬN LÀ GÌ?
Giao nhận còn được gọi là nhân viên hiện trường (Operations) là một công việc ở lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Ngoài việc phụ trách sale và chứng từ, thì hầu như mọi quá trình còn lại để hoàn thành một lô hàng đều do nhân viên hiện trường đảm nhiệm, từ: lấy chứng từ ở khách hàng, lấy chứng từ ở hãng tàu, ngân hàng, tới đi cảng làm thủ tục, đi giao hàng….
Nhiều người nói vị trí này không có nhiều yêu cầu quá cao về năng lực, kiến thức mà chỉ cần có sự cần cù, chịu khó, làm nhiều sẽ quen việc…. Nhưng thực tế nếu không có năng lực, không có tư duy thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công việc.
Nhân viên giao nhận không cần nhiều kiến thức nghiệp vụ như chứng từ, khai báo hải quan, vì xử lý công việc trên chứng từ đã được soạn thảo sẵn nhưng đều quan trọng hơn là phải biết đọc được chứng từ, nắm rõ quy trình, có trách nhiệm và cẩn thận vì nhân viên giao nhận là người tiếp xúc và biết được thực tế tình trạng hàng hóa nhiều hơn tất các các bộ phận còn lại.
Đa phần công việc này chỉ do nam giới đảm trách vì đặc trưng thời gian và cần sức khỏe dẻo dai trong thao tác hàng ngày.

II. GIAO NHẬN THÌ LÀM GÌ?
Tùy thuộc vào mỗi công ty, kinh doanh sản xuất hay dịch vụ logistics mà nhân viên giao nhận có từng nhiệm vụ khác nhau. Thông thường nhân viên giao nhận của công ty dịch vụ logistics sẽ nhiều việc hơn các đơn vị khác một chút.
• Liên hệ với bên vận tải giao nhận làm việc đúng tiến độ, giao nhận chứng từ, nộp thuế phí và lệ phí với các bên liên quan: hải quan, cảng vụ, hãng tàu.
• Ra cảng, ra sân bay hoặc các cửa khẩu hải quan làm thủ tục vận chuyển hàng hóa.
• Hỗ trợ làm nghiệp vụ xuất nhập khẩu khác như đi làm C/O, bảo hiểm, kiểm tra chất lượng… Nhận chứng từ từ các phòng ban công ty (Cus, Sale, Mua hàng...), kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của chứng từ.
• Xuất trình chứng từ với cơ quan hải quan, thông quan tờ khai.
• Xử lý tình huống phát sinh và / hoặc báo thông tin chi tiết về cho CS làm hàng.
• Sắp xếp và giám sát hàng kiểm hóa với Cơ quan Hải quan. Lấy chứng từ, D/O từ khách hàng, hãng tàu, các công ty Logistics.
• Sau khi nhân viên khai báo hải quan truyền tờ khai thành công sẽ tiếp nhận hồ sơ để tiếp tục hoàn thành thủ tục đăng ký/khai báo ở Cảng/sân bay/ICD.
• Làm thủ tục kiểm dịch thực vật, động vật, giám định, kiểm tra chất lượng, y tế tùy theo yêu cầu của từng lô hàng.
• Làm các thủ tục hải quan liên quan đến lô hàng nhập xuất thuộc các loại hình, mở tờ khai HQ nhập xuất.
Hàng xuất: Đổi lệnh trên hãng tàu, ra cảng bãi chọn cont theo tiêu chuẩn đóng hàng, nộp tờ khai Hải quan.
• Hàng nhâp: Lấy lệnh trên hãng tàu, ký hải quan và đổi lệnh tại Cảng tùy theo từng loại hình tờ khai.
• Các công việc hiện trường khác: Đi đổi hóa đơn dưới cảng bãi, lấy lệnh, chứng từ…
• Xử lý các phát sinh liên quan đến lệnh hàng nhập, xuất tại cảng bãi.
• Các công việc khác được quản lý trực tiếp phân công.
• Làm các thủ tục giao nhận hàng hóa/container với nhà vận chuyển tại cảng. Theo dõi việc thực hiện của các nhà vận chuyển với lô hàng đã giao.
• Các công việc khác khi có yêu cầu.

III. NHỮNG KHÓ KHĂN KHI LÀM GIAO NHẬN:

1. Thuộc google map:
Đã là nhân viên hiện trường là phải ở ngoài đường thường xuyên , bất chấp thời tiết vì nếu làm chậm trễ lô hàng thì chi phí phát sinh có thể đội thêm . Khi làm nghề này, bạn phải biết được vị trí của các hãng tàu, cảng, địa chỉ các công ty đối tác, … và các địa chỉ phù hợp cho việc giao nhận để tìm đường đi ngắn nhất.

2.Bất kể thời tiết
Dù thời tiết như thế nào, khi hàng về, hay hàng đi, dù xa dù gần bạn vẫn phải chạy băng băng ngoài đường. Có những trường hợp mưa tầm tã, nếu phải kiểm hóa thì bạn vẫn phải chạy theo lô hàng để làm việc , mong cho lấy được hàng theo đúng tiến độ giao cho khách hàng.

3.Nhiều nguy hiểm rình rập
Khi làm việc ở cảng thì có nhiều sự nguy hiểm như an toàn lao động trong cảng , phải đi trên đường nhiều xe lớn Trong nhiều trường hợp khách giục, sếp giục, vội vội vàng vàng, không chú ý, không cẩn thận là rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rồi những khi chạy vội ngoài trời mưa, hàng gấp... Do vậy, dù bất kể trường hợp nào cũng cần phải cẩn thận.

4.Tập làm quen việc với nhiều môi trường làm việc
Người làm giao nhận thường phải tiếp xúc với rất nhiều các cơ quan , công ty khác nhau, như : hãng tàu , đại lý , ngân hàng , lãnh sự quán, cơ quan kiểm định ,các cơ quan nhà nước ….
Nếu muốn nhanh thì tất nhiên phải quen việc. Ví dụ như khi làm việc với các cơ quan Nhà nước, người ta thường không quá nhiệt tình, cho nên nếu bạn là người mới, không được ai hướng dẫn thì mất rất nhiều thời gian khi làm các thủ tục. Do vậy, nếu là người mới thì đi đến đâu hỏi đến đó, quan sát mọi người mà học hỏi làm theo .

5.Phải trả tiền túi do sơ sót
Nhiều trường hợp người giao nhận hàng hóa phải bỏ tiền ra để bù vào vì những sai sót nhỏ như quên, mất chứng từ, điền sai thông tin,…
Chỉ cần những lỗi nhỏ, bạn có thể mất đến cả tháng lương không chừng, mà lỗi do mình thì công ty sẽ không có hỗ trợ gì cả.
Trường hợp này thì hầu như ai mới đi làm cũng đã từng gặp , để tránh bị mất tiền oan thì cẩn thận là trên hết , một điều kinh nghiệm chia sẻ với bạn là cho dù bất kỳ việc gì bạn cũng không nên vội vàng , hấp tấp .Khi bạn vội là bạn sẽ quên , quên thì sinh ra đủ thứ việc .Thứ nữa là không đoán , nếu không thực sự chắc chắn thì không bao giờ được làm , phải đi hỏi lại đúng thông tin , không được quyết định vội vàng .

6.Chịu nhiều áp lực từ nhiều phía
Vì thời gian làm hàng là những yếu tố quan trọng nhất liên quan đến việc giao nhận hàng hóa nên áp lực công cho những người làm công việc này cực kỳ nhiều. Có thể kể ra như là thời gian cam kết giao hàng với khách, thời hạn lưu bãi, hẹn với nhà kho chuẩn bị xe nâng, dỡ hàng, bốc xếp , hẹn với nhà xe đến lấy hàng xuất…
Thời gian gấp rút nhưng hàng hóa phải đúng hạn , không phải 1-2 lô hàng mà nhiều khi rất nhiều lô cùng một lúc , vừa hàng xuất , vừa hàng nhập …do vậy áp lực càng cao, nên người giao nhận luôn chịu nhiều áp lực để làm việc tiếp.

7.Thời gian làm việc vô chừng
Nhân viên giao nhận hàng hóa thì ít khi nào có khái niệm giờ hành chính, chủ yếu khi nào xong việc thì mới được về nghỉ . Có những hôm hàng xong sớm thì về sớm, thủ tục xong xuôi thì tầm trưa ,chiều là xong, nhưng cũng có những hôm đến 8-9h tối , hoặc thậm chí đóng hàng xuất thì có đến sáng hôm sau.

8.Hao hụt “ vật tư “
Thông thường mấy anh giao nhận ít có anh nào được trắng trẻo, tay chân thì chai sần do thường xuyên đóng hàng , áo bạc màu do hay đi nắng, giày dép ,xe cộ thì hao mòn , thời gian chủ yếu là đi bộ và ngồi trên xe máy , hưởng nhiều nắng gió cuộc đời , lúc đi làm thì chỉnh chu mà đi về thì lôi thôi ,ăn uống kham khổ , nhiều khi bỏ bữa do hàng gấp .Đi làm giao nhận thì như đi lính , ít được tiếp xúc với mấy bóng hồng…..

9.Đợi chờ là hạnh phúc
Nếu bạn là một người nóng vội , chắc chắn rằng bạn không thể làm được nghề này .Ngoài chờ người yêu make up , chờ mẹ đi shopping , chờ đón e tan học …thì chờ xuất nhập khẩu là cái chờ mệt mỏi nhất !
Khi bạn đi lấy chứng từ ỡ hãng tàu, ở ngân hàng , ở thương vụ cảng , ở sân bay …hay chờ tới lượt khi đi xin C/O , đi kiểm hóa ..Những cái ngáp dài mệt mỏi ở dưới bãi container , những cái chợp mắt vội vàng chờ xe đến hay những lúc chỉ muốn trời mau hết mưa để kịp đi lấy hàng …Phải nói một điều , sự kiên nhẫn của người giao nhận là vô “ giới hạn”

IV) NHỮNG KỸ NĂNG ĐỂ LÀM GIAO NHẬN
Khắc phục được những khó khăn ở trên là đủ để làm giao nhận, tuy nhiên bạn cũng cần lưu ý những điều sau đây :

1) Kinh nghiệm làm việc:
Hầu hết các tin tuyển dụng đều yêu cầu nhân viên có trên 1 năm kinh nghiệm là một lợi thế. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm cũng không sao ,bạn có thể tự học nghiệp vụ hoặc có thể tham gia các khóa nghiệp vụ training để có được kinh nghiệm tương đường những người đã đi làm, điều này rất hiệu quả.

2) Kỹ năng giao tiếp:
Điều này rất quan trọng vì nhân viên hiện trường là đại diện cho doanh nghiệp làm việc với các bên liên quan: Cơ quan Hải quan, giao nhận, các bên vận tải, các cơ quan nhà nước , kiểm định … nếu không có cách giao tiếp khéo léo thì nhiều khi hiệu quả công việc sẽ giảm đi.
Nên muốn làm hiện trường, giao nhận cần phải khéo léo trong giao tiếp ,bình tĩnh , biết lắng nghe và chia sẻ với khách hàng

3) Kỹ năng mua hàng, kiểm tra, nhiệm thu tình trạng hàng hóa:
Điều này rất quan trọng nhân viên hiện trường là người tiếp xúc trực tiếp với hàng hóa tại cảng , do đó tình trạng hàng hóa nếu có bất thường phải kịp thời báo cáo cho các bên liên quan , tránh tự ý quyết định .
Ngoài ra ngoài kỹ năng về hàng thì cách kiểm soát, lưu giữ chứng từ kèm theo hàng cũng rất quan trọng. Tất cả giấy tờ của việc giao nhận hàng hóa , biên bản …phải được lưu lại để khi cần dùng.

4)Kỹ năng điều phối vận chuyển:
Khi làm khai thác hàng tại bãi , tại kho , cảng …bạn cần biết cách làm việc với nhà xe, điều phối hàng, kho bãi, cách làm việc quản lý thời gian để tránh tình trạng quá tải việc, ùn tắc hàng, thiếu kho bãi, xe, phát sinh thêm chi phí…
Phải có lỹ năng xử lý nhanh những phát sinh xảy ra liên quan tới hàng hóa như : kẹt đường , thiếu xe , hàng quá khổ , hàng trễ chuyến ….

5) Không ngại vất vả, cẩn thận,điềm tĩnh:
Là những yếu tố cần thiết cho công việc này vì nếu bạn ngại vất vả sẽ chẳng thể chạy ngoài đường dưới thời tiết khắc nghiệt, và tất nhiên khi làm nghề này cũng không thể thiếu sự cẩn thận trong chứng từ , giấy tờ , điềm tĩnh trong giải quyết công việc với các bên khác , với cơ quan nhà nước .
Khi bạn làm giao nhận , tức là bạn đã đại diện cho quyền lợi của công ty ,bất kỳ một sự khúc mắc nào ảnh hưởng đến quyền lợi đó , bạn cũng nên tìm hiểu cẩn thận và báo cáo kịp lúc. Bình tĩnh trong mọi trường hợp thì giải quyết công việc mới trôi chảy được .
Kết chung :
Công việc nào cũng có vất vả , nhưng có vẻ so với những vị trí trong ngành thì anh em giao nhận là vất vả nhất . Nhiều bạn đọc xong tự hỏi , vất vả quá vậy thôi làm để làm gì , thôi đi làm vị trí khác hay thậm chí làm nghề khác cho rồi .Tuy vậy , chúng ta nên nhớ rằng , không có việc gì mà không trải qua khó khăn mới có lúc được thành công .
Nghề giao nhận tuy khó , nhưng nó rèn luyện cho bạn rất rất nhiều đức tính tốt mà không phải bất kỳ một ngành nghề nào trong xã hội này có được .Hơn nữa , khi bạn hiểu rõ về công việc mình làm , mình kinh doanh thì cho dù bạn có ở vị trí nào bạn cũng làm được cả.Hơn 80% các chủ doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều đã từng là nhân viên giao nhận , là nhân viên chứng từ ,là nhân viên sales...
Kiến thức thì ai cũng cần , nhưng phải có trải qua thực tế mới có được kiến thức phong phú .Nghề giao nhận cũng vậy , tuy cực , nhưng bù lại chúng ta rất tự hào vì nếu không có cái nghề hậu cần này , thì xã hội hay nói cách khác là chuỗi cung ứng hàng hóa sẽ không thể phát triển được.Hơn ai hết , khi bạn chọn nghề giao nhận chính là cách bạn chọn thể hiện và rèn luyện bản thân mình tốt hơn nữa
Cho nên , nếu em có lỡ yêu một anh giao nhận thì phải thông cảm và thương anh thật nhiều , vì để đạt được thành công có lẽ rằng anh đã phải cố gắn rất nhiều hơn những nghề khác trong xã hội.
Kết bài, thân chúc toàn thể anh chị em ngành logistics xuất nhập khẩu luôn vui khỏe , tinh tấn tinh thần cho nhiều sự phát triển về sau.

Nguồn: Nam Việt Logistics

1618409698112.png
 

Tìm thành viên

Top