Giải đáp De Minimis là gì trong quy tắc xuất xứ?

Oscar Le

Moderator
Bài viết
1,850
Reaction score
1,385
1. De Minimis là gì và tại sao cần có De Minimis

Cùng với tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đồng nghĩa với việc thuế quan giảm dần và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn với hầu hết hàng hóa sản phẩm nhập khẩu. Do có sự chênh lệch rất lớn giữa thuế suất MFN và thuế suất ưu đãi FTA nên tất cả FTA đều xây dựng bộ quy tắc xuất xứ hàng hóa để đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ tại nước thành viên FTA mới được hưởng ưu đãi thuế quan, tránh trường hợp các nước không tham gia Hiệp định được hưởng lợi miễn phí.

Đối với hàng hóa được gia công, chế biến, thông thường có hai tiêu chí cơ bản để xác định hàng hóa có xuất xứ là tiêu chí Chuyển đổi mã số hàng hóa (CTC - Change in Tariff Classification) và tiêu chí Hàm lượng giá trị khu vực (RVC Regional Value Content). Hai tiêu chí này thể hiện việc nguyên liệu không có xuất xứ, sau khi trải qua chuyển đổi cơ bản trong quá trình gia công, chế biến trở thành hàng hóa có xuất xứ. Theo tiêu chí CTC, để hàng hóa được coi là có xuất xứ, các nguyên liệu không có xuất xứ được phân loại ở Chương, Nhóm hoặc Phân nhóm trong Hệ thống Hài hòa mô tả và mã hóa hàng hóa (HS) phải có mã HS khác với mã HS của sản phẩm cuối cùng.

Ví dụ: Tiêu chí xuất xứ áp dụng cho mặt hàng quần áo tại một số FTA là Chuyển đổi Chương (CC - Change in Chapter). Quy định này có nghĩa là mã HS của nguyên liệu (vải, phụ liệu, phụ kiện...) nhập khẩu bên ngoài khối FTA phải được phân loại khác với mã HS của sản phẩm quần áo ở cấp độ 2 số (cấp độ Chương).

Thực tế, trong nhiều trường hợp chỉ một lượng rất nhỏ nguyên liệu không đáp ứng quy tắc xuất xứ sẽ khiến hàng hóa không được coi là có xuất xứ và không được hưởng ưu đãi thuế quan.

Ví dụ, theo quy tắc xuất xứ tại Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN và Hàn Quốc (AKFTA), với mặt hàng áo jacket (mã HS 6201) có tiêu chí xuất xứ “CC, với điều kiện sản phẩm được cắt và khâu tại lãnh thổ của bất kì nước thành viên nào; hoặc RVC 40%”.

Trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng tiêu chí “CC, với điều kiện sản phẩm được cắt và khâu tại lãnh thổ của bất kì nước thành viên nào”, nếu đệm vai (mã HS 6217) nhập khẩu từ Trung Quốc, áo jacket không đáp ứng tiêu chí CC do đệm vai được phân loại ở cùng Chương 62 với sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, trong các FTA, các nước tham gia đàm phán thường đưa ra quy định về tỷ lệ “linh hoạt” tối đa cho phép sử dụng một lượng nhỏ nguyên liệu không có xuất xứ và không đáp ứng tiêu chí CTC để sản xuất và hàng hóa vẫn được coi là có xuất xứ. Tỷ lệ này gọi tắt là “De Minimis” (thuật ngữ gốc La-tinh), được hiểu là tỷ lệ không đáng kể nguyên liệu không trải qua quá trình chuyển đổi mã số hàng hóa nhưng vẫn được coi là có xuất xứ. Quy định này được các nước tham gia đàm phán đưa vào với mục đích giảm bớt khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chí xuất xứ CTC và đa dạng hàng hóa được hưởng thuế quan ưu đãi trong các FTA.

2. De Minimis áp dụng thế nào

De Minimis được áp dụng cho hàng hóa xác định xuất xứ theo tiêu chí CTC, không áp dụng với tiêu chí RVC. Đối với hàng hóa nói chung, tỷ lệ De Minimis tại hầu hết các FTA không vượt quá 10% trị giá FOB của hàng hóa. Tỷ lệ 10% được gọi là ngưỡng De Minimis. Ví dụ, trong 100 USD trị giá FOB của hàng hóa xuất khẩu thì cho phép “linh hoạt” sử dụng nhiều nhất 10 USD nguyên liệu không có xuất xứ không đạt tiêu chí CTC để sản xuất ra hàng hóa đó. Các cam kết khác nhau có quy định De Minimis khác nhau.

De Minimis có thể tính trên cơ sở trị giá FOB tại các FTA của ASEAN hoặc giá xuất xưởng (giá Exworks – EXW) theo Chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) hoặc FTA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tùy theo mặt hàng, tỷ lệ De Minimis có thể chỉ được phép tối đa 7% (hàng nông nghiệp chế biến trong AJCEP, VJEPA) hoặc nhiều nhất 5% (hàng linh kiện, phụ tùng xe ô tô trong CPTPP).

Riêng đối với các sản phẩm dệt may phân loại từ Chương 50 đến Chương 63, theo cam kết của các FTA đa phương, De Minimis được tính theo trọng lượng của hàng hóa xuất khẩu, không tính theo trị giá với lý do một số nguyên phụ liệu dệt may có trọng lượng rất nhỏ nhưng chiếm giá trị phần lớn của sản phẩm.
Theo đó, nhà sản xuất được phép “linh hoạt” sử dụng nguyên liệu nhập khẩu ngoài khối FTA để sản xuất hàng dệt may với điều kiện nguyên liệu này có trọng lượng không vượt quá 10% trọng lượng hàng hóa xuất khẩu. Trong ví dụ với áo jacket nêu trên, nhà sản xuất có thể “linh hoạt” sử dụng đệm vai nhập khẩu từ Trung Quốc nếu đệm vai có trọng lượng tối đa 50 gam so với trọng lượng 500 gam của áo jacket.

Hiệp định CPTPP có quy định về tỷ lệ ngưỡng De Minimis tương đối phức tạp hơn so với các FTA khác.

Ví dụ, tiêu chí xuất xứ trong CPTPP đối với áo jacket nam (mã HS 6201.12) là “CC, ngoại trừ từ nhóm 51.06 đến 51.13, 52.04 đến 52.12 hoặc 54.01 đến 54.02, phân nhóm 5403.33 đến 5403.39 hoặc 5403.42 đến 5403.49, hoặc nhóm 54.04 đến 54.08, 55.08 đến 55.16, 58.01 đến 58.02 hoặc 60.01 đến 60.06, với điều kiện sản phẩm được cắt hoặc dệt thành hình, hoặc cả hai, và được may hoặc ghép bằng cách khác tại lãnh thổ của một hoặc nhiều Nước thành viên.”

Tiêu chí này nghĩa là:
(1) mã HS của nguyên phụ liệu không có xuất xứ dùng để may áo jacket phải khác chương với mã HS của sản phẩm (chương 62) và
(2) nếu mã HS của nguyên phụ liệu dệt may thuộc nhóm 52.04 đến nhóm 52.12 thì bắt buộc phải có xuất xứ.

Giả sử vải chính thuộc nhóm 52.08 dùng để may áo jacket nam, vải này phải có xuất xứ CPTPP để đáp ứng quy tắc nêu trên. Trường hợp vải không có xuất xứ do được dệt từ sợi tổng hợp filament thuộc nhóm 5406 nhập khẩu bên ngoài CPTPP, De Minimis trong CPTPP cho phép vải (mã HS 52.08) vẫn có xuất xứ nếu chỉ “linh hoạt” sử dụng một lượng nhỏ sợi filament (mã HS 54.06), chiếm không quá 10% trọng lượng của vải. Trong trường hợp như vậy, áo jacket vẫn được coi là có xuất xứ và được hưởng ưu đãi thuế quan do sợi filament chiếm không quá 10% trọng lượng của vải, là thành phần quyết định phân loại mã số hàng hóa của áo jacket.

Bảng dưới đây cho thấy những điểm khác biệt về quy định ngưỡng De Minimis trong một số FTA.

1622191653876.png


Bảng danh mục từ viết tắt

STT Ký hiệu Nguyên nghĩa
1ATIGAHiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN
2ACFTAHiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện Hiệp hội các
quốc gia Đông Nam Á và nước Cộng hoà Nhân dân Trung
Hoa
3AKFTAHiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện giữa ASEAN
và Hàn Quốc
4AJCEPHiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản

5AANZFTAHiệp định Thành lập khu vực Thương mại tự do ASEAN -
Úc và Niu-di-lân
6AIFTAHiệp định Thương mại tự do ASEAN - Ấn Độ
7CPTPPHiệp định Đối tác Toàn diện & Tiến bộ xuyên Thái Bình
Dương
8FTAHiệp định Thương mại tự do

Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu



 

HaLy

New Member
Bài viết
12
Reaction score
3
E chào a, e đang tìm hiểu về co form CPTPP và đọc được bài viết này của a ^^
Bên e lần đầu xin CPTPP, NL chính là vải thì có xuất xứ, nhưng chỉ khâu thì không có xuất xứ, e muốn tính Deminis thì sẽ tính ntn ạ? có form mẫu nào thể hiện cách tính chi tiết không ạ?
Mong nhận được phản hồi sớm từ a. E cám ơn ^^
 

Tìm thành viên

Top