Chia sẻ 6 NGUYÊN TẮC ÁP MÃ HS CỦA HÀNG HÓA DỄ HIỂU HƠN

Chaien

Administrator
Thành viên BQT
Bài viết
1,008
Reaction score
939
Áp mã HS cho hàng hóa là việc cơ bản và rất quan trọng trong quá trình làm thủ tục hải quan, điều này cũng là nguyên nhân gây ra rất nhiều tranh cãi giữa doanh nghiệp và hải quan khi không đồng tình về mã hs của hàng hóa. Nay mình xin được thảo luận và nêu lên quan điểm cá nhân của mình về nguyên tắc áp mã này.

Việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam phải tuân theo 6 qui tắc. Áp dụng theo thứ tự, không áp dụng được quy tắc này mới áp dụng sang quy tắc tiếp theo (từ quy tắc 1 tới quy tắc 4)

QUY TẮC 1: Chú giải chương & Tên định danh

- Tên các phần, chương và phân chương không có giá trị pháp lý trong việc phân loại hàng hóa => chỉ giúp chúng ta định hình loại hàng này nằm ở phần nào chương nào. Vì tên gọi của phần, chương và phân chương không thể diễn giải hết tất cả các sản phẩm trong đó. Phải căn cứ vào chú giải và các phân nhóm trong chương đó.

- Chú giải của từng chương mang yếu tố quyết định nhất đến phân loại hàng trong chương đó => điều này có giá trị xuyên suốt trong tất cả các quy tắc còn lại. Phải kiểm tra chú giải của phần, chương mà ta định áp mã sản phẩm vào.

Vd: Xác định mã Hs của voi làm xiếc
Ta có trình tự suy diễn như sau:
Bước 1: Định hình khu vực: Có thể áp vào chương 1: Động vật sống
Bước 2: Đọc chú giải khu vực đó: Theo chú giải 1.c của chương 1 là trừ động vật thuộc chương 95.08
Bước 3: Đọc chương 95 và xem chú giải chương đó: xác định voi làm xiếc thuộc nhóm 9508 và mã HS chính xác là: 95081000

-
Tra mã theo tên định danh hoặc được giải thích cụ thể rỏ ràng nhất trong phân nhóm.

Vd: Ngựa thuần chủng để nhân giống => Trong biểu thuế có mục định danhcụ thể là “ngựa thuần chủng để nhân giống” đồng thời chú giải chương này không có quy định khác cho sản phẩm này nên ta áp mã 01012100.

QUY TẮC 2: Sản phẩm chưa hoàn thiện & hợp chất cùng nhóm

Quy tắc 2a
: Sản phẩm chưa hoàn thiện

- Một mặt hàng chưa hoàn chỉnh, chưa hoàn thiện, thiếu một vài bộ phận nhưng có đặt tính và công dụng như sản phẩm hoàn thiện thì được áp mã theo sản phẩm đã hoàn thiện.

Vd: Xe ô tô thiếu bánh xe: vẫn được áp mã theo xe ô tô

- Một mặt hàng mà có các bộ phận tháo rời, các phần tháo rời đó nếu ráp vào sẽ thành 1 sản phẩm hoàn thiện (hoặc thành sản phẩm có đặc trưng cơ bản của của phẩm đã hoàn thiện) thì vẫn được áp vào mã sản phẩm đã hoàn thiện.

+ Vd: Để tiện lợi cho quá trình vận chuyển người ta tháo từng bộ phận của 1 chiếc xe ra thì các bộ phận vẫn được xác định mã HS theo chiếc xe.

+ Cũng tương tự như ví dụ trên nhưng các bộ phận sau khi lắp ráp lại thì thành 1 chiếc xe bị thiếu bánh => Khi đó các bộ phận tháo rời vẫn được áp mã HS như xe hoàn chỉnh.

Lưu ý:
  • Với việc nhập khẩu đồng bộ tháo rời và áp mã đồng bộ táo rời như trên không yêu cầu phải nhập hàng cùng một thời điểm, hoặc cùng một cửa khẩu, nhưng bạn phải đăng ký trước với Hải quan danh mục nhập khẩu hàng hóa đồng bộ tháo rời.
  • Nếu mục đích nhập khẩu là đồng bộ tháo rời (tức nhập về ráp thành 1 sàn phẩm) nhưng lúc nhập khẩu lại khai báo và áp vào mã bộ phận (không áp mã sản phẩm do không đăng ký danh mục trên), nếu có kiểm tra sau thông quan về mặt hàng đó và bị phát hiện, doanh nghiệp bạn sẽ bị phạt.
- Phôi: là những sản phẩm chưa sẵn sàng đưa ra sử dụng, có hình dáng bên ngoài gần giống với với hàng hóa hoàn thiện, chỉ sử dụng vào mục đích duy nhất là hoàn thiện nó thành sản phẩm hoàn chỉnh của nó. Khi đó phôi được áp mã như sản phẩm hoàn chỉnh.

Vd: Phôi chìa khóa khi chưa dủa các cạnh => được áp mã chìa khóa đã hoàn thiện; Chai làm bằng nhựa chưa tạo ren ở cổ chai => được áp mã như chai hoàn thiện.

- Những loại phôi mà có các bộ phận tháo rời, các phần tháo rời của phôi nếu ráp vào sẽ thành 1 phôi của thành phẩm thì các phần tháo rời này vẫn được áp mã theo sản phẩm đã hoàn thiện.

- Việc lắp ráp quy định là công việc đơn giản như dùng vít, bu-lông, đai ốc, hoặc ghép bằng đinh tán hoặc bằng cách hàn lại…. Không áp dụng quy tắc này với các sản phẩm cần phải gia công thêm trước khi đưa vào lắp ráp.

- Những bộ phận chưa lắp ráp, thừa ra về số lượng theo yêu cầu để hoàn thiện 1 mặt hàng thì sẽ được phân loại riêng.

Quy tắc 2b: Hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất

- Áp dụng quy tắc này với các sản phẩm là hỗn hợp của nguyên liệu và chất liệu.

- Hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất thuộc cùng 1 nhóm thì phân loại trong nhóm đó. Chất A thuộc nhóm 1, Chất B cũng thuộc nhóm 1 => hỗn hợp của A + B sẽ thuộc nhóm 1.

Vd: Một món sa lát được làm từ cà rốt (07.06); củ cải (07.06); củ dền (07.06) => Khi đó mã HS của món sa lát này sẽ được áp là 07.06

- Các hàng hóa làm toàn bộ bằng một loại nguyên liệu hay một chất, hoặc làm một phần bằng nguyên liệu hay chất đó sẽ được phân loại trong cùng một nhóm. (Lưu ý: sau khi các quy tắc 1, 2b không áp dụng được mới áp dụng mục này)

Vd: Các sản phẩm bằng lie tự nhiên, nếu các quy tắc 1 và 2a không có quy định thì sẽ được áp vào mã 45.03 theo quy tắc 2b.

- Những hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất, và hàng hóa cấu tạo từ hai hay nhiều nguyên liệu hoặc chất, nếu thoạt nhìn qua có thể phân loại vào hai hay nhiều Nhóm, thì phải được phân loại theo quy tắc 3.

QUY TẮC 3: Hàng hóa thoạt nhìn nằm ở nhiều nhóm

Quy tắc 3a:
1 sản phẩm nằm ở nhiều nhóm.

- Hàng hóa được mô tả ở nhiều nhóm thì nhóm nào có mô tả cụ thể nhất sẽ được ưu tiên hơn các nhóm có mô tả khái quát.

Ví dụ: Máy cạo râu và tông đơ có lắp động cơ điện được phân vào Nhóm 85.10 mà không phải trong Nhóm 84.67 (nhóm các dụng cụ cầm tay có lắp động cơ điện) hoặc vào Nhóm 85.09 (các thiết bị cơ điện gia dụng có lắp động cơ điện). Vì nhóm 85.10 đã quy định cụ thể luôn là: "Máy cạo râu, tông đơ cắt tóc và các dụng cụ cắt tóc, có lắp động cơ điện"

Quy tắc 3b: Hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau & Một bộ sản phẩm bán lẻ (gồm nhiều sản phẩm nằm ở nhiều nhóm)
  • Hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu, bộ phận khác nhau:
- Áp theo nguyên liệu hay thành phần mang lại bản chất đặc trưng cơ bản cho hàng hoá. (bản chất đặt trưng có thể dựa vào: Kích thước; Số lượng; Chất lượng; Khối lượng; Giá trị; Công dụng.... hoặc khác.
Vd: Cửa nhôm (76.10) có tay nắm bằng thép (73.26) => Áp mã cửa này theo mã nhôm.
  • Một bộ sản phẩm bán lẻ
- Hàng hóa là bộ sản phẩm được cấu thành từ nhiều sản phẩm, nguyên liệu. Mỗi sản phẩm, nguyên liệu thuộc nhiều nhóm nhiều chương khác nhau => phân loại bộ sản phẩm đó vào sản phẩm mang đặc tính, tính chất cơ bản của bộ đó.

- Tùy bộ hàng hóa mà tính chất cơ bản được xét khác nhau. Có thể xác định theo bản chất của nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành, theo thành phần, kích thước, số lượng, trọng lượng, trị giá hoặc theo vai trò của nguyên liệu cấu thành có liên quan đến việc sử dụng hàng hóa.

- Chỉ được coi là bộ sản phẩm và áp quy tắc 3b khi thỏa mãn đồng thời các điều sau:

+ Có ít nhất 2 sản phẩm khác nhau trong bộ. (6 cái nĩa dùng trong nấu ăn, số lượng lớn hơn 2 nhưng vẫn không coi là bộ sản phẩm)

+ Các sản phẩm phải được đóng gói bán lẻ: tức là xếp cùng nhau, đóng gói hoàn thiện,

+ Tuy công dụng, cách hoạt động khác nhau nhưng cùng nhau hỗ trợ cho 1 hoặc vài sản phẩm chính trong bộ sản phẩm để thực hiện một chức năng xác định.

Ví dụ 1: Bạn nhập về 1 hộp gồm 1 chai rượu mạnh (nhóm 22.08) và 1 chai rượu vang (nhóm 22.04).

=> Hai sản phẩm này không hỗ trợ cho nhau. Nên nhập về sẽ áp 2 mã riêng biệt.

Ví dụ 2: Một thùng đồ hộp gồm: 1 hộp tôm (16.05); 1 hộp pate gan (16.02); 1 hộp pho mát (04.06); 1 hộp thịt xông khói (16.02)

=> Các sản phẩm này không thể hỗ trợ cũng như chế biến chung với nhau thành 1 chức năng đã xác định trước nên sẽ được áp mã riêng theo từng loại.

Ví dụ 3: Gói cà phê hòa tan là hỗn hợp của các chất như: chiếc xuất cà phê tan(21.01), sửa (04.02), đường (17.02) => Theo đó hỗn hợp này sẽ được áp theo mã chất cơ bản nhất là chiếc xuất cà phê tan 21011110.

Ví dụ 3: Bộ thực phẩm dùng để nấu món mỳ Spaghetti gồm: Hộp mỳ sống (19.02), một gói pho mát béo (04.06), và một gói nhỏ sốt cà chua (21.03), đựng trong một hộp carton.

=> Trường hợp này có 3 sản phẩm khác nhau, đã được đóng gói bán lẻ, các sản phẩm cùng hỗ trợ cho 1 sản phẩm chính là mỳ sống để tạo ra món mỳ Spaghetti, Vì vậy bộ sản phẩm này được áp mã theo hộp mỳ sống (19.02)

Ví dụ 4: Nhập bộ dụng cụ vẽ gồm: một thước (90.17), một vòng tính (90.17), một compa (90.17), một bút chì (96.09) và cái vót bút chì (82.14), đựng trong túi nhựa (42.02).

=> Trong bộ sản phẩm trên, thước, vòng, compa tạo nên đặc tính cơ bản của bộ dụng cụ vẽ. Do vậy, bộ dụng cụ vẽ được phân loại vào Nhóm 90.17.

Quy tắc 3c: 1 sản phẩm từ nhiều bộ phận (các bộ phận nằm ở nhiều nhóm)
  • Áp dụng khi:
- Khi không áp dụng được Qui tắc 3(a) hoặc 3(b), hàng hóa sẽ được phân loại theo Qui tắc 3(c).

- Một sản phẩm được tạo thành từ nhiều bộ phận nhưng các bộ phận này lại nằm ở các nhóm khác nhau.
  • Theo Qui tắc này thì hàng hóa sẽ được phân loại vào nhóm có thứ tự sau cùng trong số các nhóm cùng được xem xét để phân loại.
Vd: Ta có sản phẩm: "Băng tải một mặt là plastic còn một mặt là cao su". Xét thấy mặt hàng này không thể quyết định phân loại vào Nhóm 40.10 hay Nhóm 39.26 theo Qui tắc 3(a), và cũng không thể phân loại mặt hàng này theo Qui tắc 3(b). Vì vậy, mặt hàng sẽ được phân loại vào Qui tắc 3(c), tức là “phân loại vào nhóm có thứ tự sau cùng trong số các nhóm cùng được xem xét”. Theo Qui tắc này, mặt hàng trên sẽ được phân loại vào Nhóm 40.10.

QUY TẮC 4: Phân loại theo hàng hóa giống chúng nhất

- So sánh hàng hóa định phân loại với hàng hóa đã được phân loại trước đó.

- Xác định giống nhau có thể dựa trên nhiều yếu tố: như mô tả, đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng của hàng hóa…

- Hàng hóa sau khi đã so sánh sẽ được xếp trong nhóm của hàng hóa giống chúng nhất.

Vd: Men dạng viên, được dùng giống như thuốc thì được áp vào mã thuốc 30.04

QUY TẮC 5: Hộp đựng, bao bì

Quy tắc 5a:
Hộp, túi, bao và các loại bao bì tích hợp dùng chung với sản phẩm.

- Các loại bao hộp tương tự, thích hợp hoặc có hình dạng đặc biệt để chứa hàng hóa hoặc bộ hàng hóa xác định, có thể dùng trong thời gian dài và đi kèm với sản phẩm khi bán, được phân loại cùng với những sản phẩm này.

Vd: Hộp trang sức (Nhóm 71.13);

Bao đựng máy cạo râu bằng điện (Nhóm 85.10);

Bao ống nhòm, hộp kính viễn vọng (Nhóm 90.05);

Hộp, bao và túi đựng nhạc cụ (Nhóm 92.02);

Bao súng (Nhóm 93.03).

- Tuy nhiên, nguyên tắc này không được áp dụng đối với bao bì mang tính chất cơ bản nổi trội hơn so với hàng hóa mà nó chứa đựng.

Vd: Hộp đựng kính đeo mắt mà hộp đó bằng vàng thì không thể áp mã theo kính được. Hoặc hộp đựng chè bằng bạc hoặc cốc gốm trang trí đựng đồ ngọt.

- Nếu nhập riêng túi hợp bao bì này mà không cùng với sản phẩm sẽ áp mã theo nhóm thích hợp chứ không theo mã sản phẩm.

Quy tắc 5b: Bao bì thông thường.

- Quy tắc này qui định việc phân loại bao bì thường được dùng để đóng gói chứa đựng hàng hóa, được nhập cùng với hàng (như túi nilon, hộp carton...), được áp mã HS theo hàng hóa. Tuy nhiên, Quy tắc này không áp dụng cho bao bì bằng kim loại có thể dùng lặp lại.

Vd: Không áp mã bình chứa ga bằng thép (bình có thể sử dụng lại) vào mã ga được mà phải được phân theo mã riêng. Nếu bình ga dùng một lần thì áp mã ga.

QUY TẮC 6: Giải thích cách phân loại và so sánh cho đúng trong các phân nhóm.

- Việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm phải phù hợp theo nội dung của từng phân nhóm, phù hợp các chú giải phân nhóm, phù hợp với chú giải của chương có liên quan.

- Khi so sánh 1 sản phẩm ở các nhóm hoặc các phân nhóm khác nhau thì phải so sánh cùng cấp độ.

Vd: 1 gạch so sánh với 1 gạch, 2 gạch so sánh với 2 gạch…. (gạch là gạch đầu dòng "-" trước tên hàng trong phần mô tả hàng hóa của biểu thuế)

- Chú giải của phân nhóm và nhóm có giá trị hơn chú giải của chương.

- Phạm vi của phân nhóm hai gạch không được vượt quá phạm vi của phân nhóm một gạch, và phân nhóm một gạch không được vượt quá nhóm của nó.

Chúc các bạn áp mã được chính xác nhất!
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

luuvanbi

Well-Known Member
Bài viết
330
Reaction score
413
Việc phân loại mã số hàng hóa phải tuân theo 6 qui tắc tổng quát được xây dựng dựa trên Hệ thống hài hòa, có tính ràng buộc áp dụng. Các qui tắc phải được xem xét theo thứ tự, không áp dụng được qui tắc này mới áp dụng sang qui tắc tiếp theo.
Thứ tự xem xét các qui tắc: Qui tắc 1, 2(a), 2(b), 3(a), 3(b), 3(c), 4. Riêng quy tắc 5 và 6 được áp dụng riêng biệt. Tương tự, khi phân loại hàng hóa luôn phải xem xét ưu tiên các phần, chương, nhóm, phân nhóm hàng hóa đứng trước, xếp trên (trừ các trường hợp chú giải có yêu cầu khác hoặc loại trừ).

1. Qui tắc 1:

- Luôn phải đọc kỹ nội dung mô tả chi tiết nhóm hàng hóa khi định hình được tên đích danh mặt hàng của mình thuộc phần, chương, nhóm nào.
+ Điều kiện áp dụng qui tắc 1: Nội dung mô tả chi tiết nhóm hàng rõ ràng, phù hợp chú giải phần hoặc chương có liên quan (tức là khi nội dung nhóm và các chú giải phần hoặc chương liên quan không có yêu cầu nào khác).
Do vậy, kỹ năng khai báo tên hàng phải bám sát nội dung mô tả chi tiết nhóm hàng đã được định danh, song cần phải khai đầy đủ thông tin: tên hàng, thành phần, công dụng (nếu hàng hóa đáp ứng đầy đủ thông tin); không được khai tên hàng chung chung, dập khuôn theo mô tả chi tiết nhóm, phân nhóm trong biểu thuế để cơ quan hải quan tránh đặt dấu hiệu nghi ngờ và mở rộng phạm vi sang các phần, chương, nhóm khác.
+ Khi nội dung nhóm hàng hoặc các chú giải phần hoặc chương có liên quan có yêu cầu nào khác thì khi đó không được áp dụng qui tắc 1, mà phải xem xét các qui tắc 2, 3, 4 và 5.

2. Qui tắc 2a:

- Khi áp dụng qui tắc này phải hiểu được bản chất các khái niệm “hoàn thiện”, “chưa hoàn thiện”, “hoàn chỉnh”, “chưa hoàn chỉnh”, “đặc tính cơ bản”, “hình dạng cơ bản”…
Khi xem xét hàng hóa “chưa hoàn thiện”, “chưa hoàn chỉnh” nhưng “có đặc tính cơ bản” thì phải xem xét hàng hóa đó có “hình dạng cơ bản” theo cấu tạo (theo thiết kế, bản vẽ, catalog…) và phải đã bao gồm các bộ phận chính của sản phẩm. Việc chưa hoàn thiện, chưa hoàn chỉnh có thể chỉ xem xét cho việc thiếu các phụ kiện, chi tiết phụ hoặc phải trải qua công đoạn lắp ráp đơn giản.
- Hàng hóa ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời, phải được hiểu là khi lắp ráp chỉ là lắp ráp đơn giản (bắt vít, vặn ốc, bắn đinh, hàn lại…) không phải trải qua quá trình gia công thêm phức tạp (cắt, mài, gò, hàn, gia công nguội khác…).
- Qui tắc 2a thường không áp dụng cho hàng hóa thuộc phần I đến phần VI (chương 01 đến chương 38).
- Ở các phần, chương hay áp dụng qui tắc 2a thường được nêu tại các chú giải tổng quát phần hoặc chương đó (thường thuộc phần XVI và các chương máy móc, thiết bị).

3. Qui tắc 2b:

- Qui tắc 2b trong thực tế ít vận dụng, vì nội hàm qui tắc này đã được chi tiết tại các nhóm hàng theo tên gọi (đối với một chất) hoặc theo tên gọi, công dụng (đối với một chế phẩm-sản phẩm được tạo thành từ nhiều chất) mà khi các nhóm hàng đó không áp dụng được qui tắc 1 (tức khi nội dung nhóm và các chú giải phần hoặc chương liên quan có yêu cầu khác).
- Khi trong một chế phẩm-sản phẩm (hỗn hợp các chất) có thêm một chất nằm ngoài phạm vi mô tả của nhóm hàng đó, làm mất đi đặc tính cơ bản của hàng hóa sẽ phải xem xét áp dụng qui tắc 3.

4. Qui tắc 3 (a, b, c)

- Qui tắc 3a: Phải xem xét, phân định được nhóm hàng có mô tả cụ thể, đặc trưng, chi tiết nhất.
- Qui tắc 3b: Phải xem xét, phân định được đặc tính cơ bản (nguyên liệu), tính năng chính (bộ phận).
Khi xác định đặc tính cơ bản hay tính năng chính phải đảm bảo tính logic, trình tự theo thành phần, kích thước, số lượng, trọng lượng, trị giá, hoặc theo vai trò của nguyên liệu, bộ phận cấu thành tạo nên giá trị cốt lõi hoặc mục đích sử dụng đầu ra của hàng hóa. Khi xem xét lựa chọn áp dụng qui tắc 3b phải có kiến thức thương phẩm học chuyên sâu cho nhóm hàng, ngành hàng mới có thể phân định được đặc tính, tính năng chính.
- Qui tắc 3c: Xác định theo thứ tự nhóm sau cùng.

5. Qui tắc 4:

Áp dụng cho hàng tương tự, giống nhất theo mô tả, đặc điểm, tính chất, mục đích sử dụng của hàng hóa trong cùng nhóm, phân nhóm cấp trên (4 số hoặc 6 số) và thường được xếp vào các phân nhóm “Loại khác”.

6. Qui tắc 5:

Áp dụng cho hàng hóa là bao bì, hộp, túi có cấu tạo đặc biệt, phù hợp cho việc chứa đựng hàng hóa và đi kèm với hàng hóa khi bán.

7. Qui tắc 6:

Khi áp dụng các Qui tắc từ 1 đến 5 (điều chỉnh việc phân loại ở cấp độ phân nhóm trong cùng một nhóm), để đảm bảo sự phù hợp ta luôn phải xem xét, so sánh các nội mô tả của các phân nhóm cùng cấp độ theo thứ tự trên dưới (cấp độ 1, 2…) và xem xét nội dung chú giải Phần hoặc Chương có liên quan ; nếu chú giải Phần hoặc Chương không phù hợp với chú giải của nhóm, phân nhóm thì xem xét áp dụng chú giải nhóm, phân nhóm.
* Lưu ý ngoài:
- Luôn phải hiểu rõ, phân định được bản chất nhiều thuật ngữ được đề cập trong chú giải HS, biểu thuế như: “sản xuất”, “chế biến”, “chế tạo”, “chế tác”, “gia công”, “công nghiệp”, “gia dụng”, “tổ hợp”, “hệ thống”, “đồng bộ”, “tương thích”, “bộ phận”, “phụ tùng”, “linh kiện”, “phụ kiện”, “cấu kiện”, “chế phẩm”, “sản phẩm”, “chiết xuất”, “tinh chiết”, “tự hành”…
- Tìm hiểu thông lệ quốc tế và quy định trong nước liên quan đến quản lý: Tên thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, ghi nhãn hàng hóa, quy chuẩn, tiêu chuẩn, mã số, mã vạch sản phẩm, bao bì đóng gói…Vì thông qua những tiêu chí này cũng giúp xác định được nhiều thông tin của hàng hóa.
- Một mặt hàng đã được mô tả chi tiết, rõ ràng, phù hợp áp mã phần, chương, nhóm, phân nhóm trước thì luôn được ưu tiên xem xét trước; nếu một mặt hàng có khả năng phân loại vào 2 nhóm thì lựa chọn nhóm sau.
- Khi đọc chú giải HS, biểu thuế cần hiểu và phân biệt cấu trúc câu từ ngữ nghĩa trước sau các dấu “.”, “,” “;”…để cắt nghĩa và đáp ứng đầy đủ tiêu chí yêu cầu.
- Khi dịch tên hàng từ tiếng anh sang tiếng việt để khai báo phải dịch đúng bản chất tên hàng theo nguyên liệu hoặc công dụng…
- Một số nhóm biểu thuế thể hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn, thông số kỹ thuật…phải đối chiếu với các quy chuẩn, tiêu chuẩn của VN ban hành. Trong một số trường hợp các tiêu chí này không rõ ràng, đọc không hiểu…phải tham khảo thông lệ quy định những kí mã hiệu riêng cho từng ngành hàng.
- Lưu ý không phải bộ phận, phụ kiện nào của máy móc, thiết bị Chương 90 cũng phân loại vào nhóm 90.33, nếu bản thân chúng đã là một sản phẩm hoàn thiện và được định danh ở chương khác trong danh mục hoặc nó là công cụ, dụng cụ dùng chung hoặc sản phẩm có công dụng dùng chung.
- Cần phân biệt rạch ròi thiết bị điều khiển số, kỹ thuật số…(điều khiển chủ động theo ý con người bằng tay hoặc thông qua cài đặt kỹ thuật số…) dùng trong cách mạch điện, mạch điều khiển thiết bị hoặc các thiết bị cơ điện…nhóm 85.37; còn thiết bị điều khiển tự đồng kết hợp giá trị đo lường (điều khiển thụ động thông qua đồng hồ, thiết bị đo khác…để kiểm soát, duy trì và chống lại yếu tố bất thường của dòng chảy chất lỏng, áp suất khí, nhiệt độ, đại lượng điện hoặc phi điện khác ở mức giá trị mong muốn) nhóm 9032.
- Phải xem xét thật kỹ các dụng cụ, máy móc, thiết bị được sử dụng cho mục đích khoa học, cho công nghiệp hoặc kỹ thuật chuyên ngành (nghiên cứu, thí nghiệm, thiên văn, đo lường, quan sát…) thì mới đáp ứng phân loại vào Chương 90, còn nếu xác định chúng có thể sử dụng cho nhiều mục đích khác và không được thiết kế, chế tạo đặc thù cho các mục đích trên hoặc chúng đã được định danh tại chương khác.
- Khi các máy móc, thiết bị được lắp ráp với nhau để tạo thành một tổ hợp (phân loại theo chức năng chính) phải xem xét việc chúng có được lắp ráp cùng, đồng bộ kỹ thuật, lắp cố định và có chi tiết kết nối nhau theo bản vẽ thiết kế, cấu tạo hay không? Nếu xác định chúng chỉ là lắp ráp tạm thời thì bị loại trừ.
- Luôn nhớ rằng đồ nội thất (gắn, đặt trên sàn nhà) thuộc chương 94 không bao gồm các đồ vật được đặt bên trên đồ nội thất, được treo, gắn trên trần, tường nhà…trừ trường hợp chúng được xuất trình cùng và không thể tách rời đồ nội thất.
- Đế, khung, sàn, bệ, tường, trần…để đặt, che, chắn các máy, kể cả được chế tạo đặc biệt để phù hợp cũng không được phân loại vào máy, tổ hợp máy, mà vẫn phân loại vào các nhóm phù hợp.
- Phân biệt máy cắt đứt với máy tiện và các loại máy cắt, xén kim loại khác:
+ Loại thứ 1: (1) Bộ phận kẹp dụng cụ cắt không di chuyển dọc như bàn dao máy tiện, mà bàn dao máy cắt đứt chuyển động theo phương ngang để cắt chi tiết quay tròn; (2) Dụng cụ cắt được gắn cố định trên trục (dọc) hoạt động quay tròn để cắt chi tiết ghim cố định trên bàn trượt.
+ Loại thứ 2: Dạng cắt bằng đĩa cưa hoặc đĩa mài, cắt theo chiều ngang chi tiết cắt.
+ Loại thứ 3: Dạng cắt bằng lực ma sát kết hợp oxy hóa không khí của đĩa kim loại lên chi tiết cắt.
- Phân biệt xe thực phẩm, xe đẩy đồ ăn tự chọn, kiểu dùng trong nhà ga xe lửa (nhóm 87.16) với bàn phục vụ có bánh xe (cho dù có được gắn đĩa hâm nóng hay không) nhóm 94.03.
 

ryanlong

New Member
Bài viết
1
Reaction score
0
Chào mod, mod cho em hỏi cái - ở dưới là trích căn cứ ở đâu ạ? tks
- Đế, khung, sàn, bệ, tường, trần…để đặt, che, chắn các máy, kể cả được chế tạo đặc biệt để phù hợp cũng không được phân loại vào máy, tổ hợp máy, mà vẫn phân loại vào các nhóm phù hợp.
 

Tìm thành viên

Top