Tâm sự TÂM THƯ CHO AI ĐỊNH LÀM XNK-LOGISTICS!

nhattao

Active Member
Bài viết
167
Reaction score
151
Chia sẻ từ Mr Hà Lê...

1. Sinh viên mọi ngành đều làm được Xuất Nhập Khẩu nếu MONG MUỐN

Đừng băn khoăn hỏi: Em học ngành kỹ thuật hay sư phạm, hay nhân văn có làm được xuất nhập khẩu hay không?
Câu trả lời: CÓ. Học ngành nào cũng làm được nếu muốn theo nó. Nhưng sẽ có nhiều khó khăn.

Các em sẽ phải cố gắng và nỗ lực, có thể tốn thời gian gấp 2 lần các bạn được học chuyên ngành này ở trường như Ngoại Thương, Thương Mại, Tài Chính Hải Quan, Giao thông vận tải, Hàng hải.
Trái ngành, rẽ tay ngang nên phải hiểu được khó khăn và xuất phát điểm của mình để nỗ lực hoàn thiện kiến thức và vươn lên thôi. TỰ TIN LÊN ĐI!

Bằng chứng, bao cao thủ xuất nhập khẩu-Logistics hiện nay toàn tốt nghiệp Bách Khoa, Tài Chính, marketing hay Ngoại ngữ… đó thôi. Ai tay ngang vào nghề thì điểm danh minh chứng nhé

Note: Không phân biệt Già-Trẻ, Gái-Trai miễn là yêu thích đều làm được Xuất nhập khẩu-Logistics

2. Kiến thức chuyên ngành là cốt lõi

Kiến thức (Knowledge) là quan trọng bậc nhất trong mọi nghề, nhất là với cái ngành Xuất nhập khẩu-logistics này.
Xin chia sẻ luôn, có quá nhiều bạn sinh viên hay hỏi: Anh chị liệt kê ra giúp em các kiến thức cần thiết em phải chuẩn bị để vào nghề XNK-Logs được không?
Câu trả lời, rất rõ ràng, hãy hệ thống lại các kiến thức.

Đó chính là kiến thức về:
– Quy trình Xuất nhập khẩu hàng hóa (export-import process)
– Thủ tục hải quan và pháp lý về XNK hàng hóa, dịch vụ (Customs procedures)
– Giao nhận vận chuyển nội địa và quốc tế (Transportation/Logistics) và chuỗi cung ứng (Supply chain)
– Thanh toán quốc tế (international payment)
– Bảo hiểm vận tải quốc tế (Insurance)
– Giao dịch, đàm phán và ký kết hợp đồng ngoại thương (transaction, negotion and Sales Contract)

Chú ý: Các bạn hay anh chị em muốn làm doanh nghiệp nước ngoài thì cần củng cố lại kiến thức cơ bản về Gia Công, Sản Xuất Xuất Khẩu và Chế Xuất nhé.
Ngoài ra, kiến thức xã hội rất cần thiết, đừng chỉ là con mọt sách nhé, hãy dành thời gian nghiên cứu về các mặt khác của xã hội nhé các em.


3. Kỹ năng mới là quan trọng

Kiến thức là điều tiên quyết phải có nếu muốn đi xa, cũng là lợi thế rất lớn nếu bạn nắm vững. Tuy nhiên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể nhận sinh viên mới tốt nghiệp (fresh graduate) cho dù chưa có kinh nghiệm. Lý do: Các bạn có kỹ năng tốt
– Kỹ năng giao tiếp và thuyết trình, đàm phán: phải trau dồi qua các bài thuyết trình trên lớp, qua các công việc part time, qua các chương trình xã hội đã tham gia. Hãy làm cho người đối diện thích cách nói chuyện của bạn,hãy thuyết phục họ CHỌN bạn
– Kỹ năng tin học: khó lòng mà làm việc tốt, đặc biệt với các vị trí như Chứng từ hay trong các công ty khu công nghiệp, khu chế xuất mà không vững kỹ năng tin học, nhất là Excel. Dành thời gian học nhé, đừng đi mua chứng chỉ tin học giá 150k
– Kỹ năng làm việc nhóm và độc lập: ai cũng cần phải biết làm độc lập dưới áp lực công việc. Nhưng làm một mình đi nhanh, còn làm việc nhóm sẽ đi xa.
– Kỹ năng xử lý vấn đề: đi phỏng vấn sẽ được đưa ra 1 loạt case study và các bạn phải giải quyết. Nhà tuyển dụng muốn test EQ và IQ các bạn ra sao
– Kỹ năng lập kế hoạch, đặt vấn đề, triển khai và phân bố thời gian: 1 ngày làm việc có 8 tiếng, hãy đảm bảo việc hoàn thành To-Do-List và kịp Deadline nhé
– Kỹ năng phỏng vấn và tuyển dụng: cái gì cũng phải học và tập luyện. Hãy tự tin nộp hồ sơ apply công việc và thử sức vài cuộc phỏng vấn để biết mình thiếu gì nhé


4. Thái độ là điều bắt buộc. Ban đầu rất khó, đừng nản chí

Kiến thức chưa vững hay kinh nghiệm chưa có thì có thể tha thứ và đào tạo được. Nhưng thái độ không tốt thì chẳng bao giờ được nhận chứ không nói là làm việc lâu dài đâu các em nhé.

– Yêu công việc:
+ Việc sếp giao là việc của mình chứ không phải bị ép
+ Việc công ty là việc của mình, không phải mình bị bắt buộc
+ Làm như cho chính công ty của mình chứ không phải làm thuê
+ Xong việc thì về, đừng 5h tắt máy tính phủi mông ra chấm công

– Nghiêm túc với công việc
+ Không làm thì không nhận lương
+ Hoàn thành đúng tiến độ
+ Làm cho khách như làm cho nhà mình

– Biết tự chịu trách nhiệm với công việc
+ Tự đánh giá bản thân và hiệu quả công việc
+ Làm sai thì có tinh thần sửa sai và nhận trách nhiệm, không đùn đẩy
+ Sắn sàng chịu bỏ tiền túi nếu lỗi do mình

– Hòa đồng, học hỏi và cầu tiến
+ Vui vẻ, cười với đồng nghiệp và cấp trên
+ Hòa đồng, đừng lần nào cũng trốn các buổi party hay không bao giờ đi ăn cùng đồng nghiệp hay luôn lấy cớ có việc bận để tránh tham gia
+ Học từ bạn bè là nhanh nhất, luôn học hỏi mọi người và giúp đỡ lại mọi người. Bạn có thể học được nhiều thứ kể cả từ người kém nhất, đừng coi thường hay khinh người khác

– Đừng đứng núi này trông núi nọ
+ 100% dồn tâm trí và năng lực cho công việc hiện tại, cho dù còn làm việc 1 ngày ở công ty
+ Đừng ngồi lê đôi mách kể chuyện về nội bộ công ty mình với người khác
+ Đừng đem so sánh mức lương công ty mình với đứa bạn rồi bực mình, bởi mọi sự so sánh đều là khập khiễng
+ Hãy biết ơn công ty đã cho bạn cơ hội làm việc, đừng coi công ty như bến dừng chân rồi 3-6 tháng sau khi có chút kinh nghiệm sẽ bay đi tìm công ty khác lương cao hơn với lý do: Nhà em có việc cá nhân, bố mẹ bắt em về quê.
– Hãy vượt qua sự nhàm chán

5. Cá nhân phải chủ động tự học và tự nghiên cứu

– Đừng đổ lỗi trường dạy sách vở, lý thuyết. Không có lý thuyết em làm bằng gì? Thời gian có hạn, thay vào đó, hãy chủ động học. Luôn tự đặt câu hỏi và cố tự trả lời trước khi nhờ giúp đỡ.
– Chủ động sử dụng công cụ tìm kiếm google, cực hữu ích.
– Các trang web nên sử dụng để tự học tập, nghiên cứu XNK-Logs.
– Gia nhập các diễn đàn và fanpage hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp thắc mắc.
– Chủ động xin các anh chị tiền bối nếu rảnh dẫn em bám càng ra cảng xin đi thực tế. Ngoan, tới đúng giờ, sách bút đầy đủ.

6. Ngoại ngữ chỉ là công cụ tốt

– Ngoại ngữ chỉ là công cụ, đừng nghĩ rằng có ngoại ngữ là 100% đủ để làm việc tốt. Kỹ năng cần thiết lắm
– Học Tiếng Anh, biết tiếng Trung và Nhật, Hàn là lợi thế lớn
– Ai cũng biết Tiếng Anh, nếu vậy, thay vì học cày cuốc cho lên IELTS 8.0 thì hãy dành thi Toeic 900 up, IELTS 7.0 là được, rồi học thêm Tiếng Nhật nữa. Đảm bảo đi đâu cũng kiếm được việc ngon
– Rèn luyện tiếng Anh chuyên ngành Xuất nhập khẩu-Logistics nhé

7. Nghiêm túc trong việc đi kiến tập, thực tập

– Không coi việc kiến tập, thực tập là bắt buộc chỉ xin cái dấu mộc dăm ba câu nhận xét, mà hãy coi đó là cơ hội trải nghiệm tiền công việc thực tế
– Cố gắng chủ động tự liên hệ với công ty để kiến tập, thực tập chứ đừng chỉ mong đợi ai đó giúp hay người quen giới thiệu. Tự bươn cho khỏe nhé
– Đi thực tập thì ăn mặc cho nghiêm túc đừng lố lăng, ngoan thái độ thì sẽ có quà, đó là sự chỉ dạy của tiền bối. Xin học việc giao nhận mà mặc váy ngắn thì làm hàng, chạy lệnh kiểu gì? Xin học việc sales mà đầu tóc bú rù, áo nhăn nheo, quần ngủ đến công ty thì ai dạy các em?
– Đến sớm 10 phút và về muộn, có nghỉ thì gọi điện xin phép nêu lý do rõ ràng.
Tác phong nhanh nhẹn không bắt mọi người chờ mình. Ai cần giúp gì sắn sàng và chủ động quan sát để giúp đỡ.
– Làm từ những công việc nhỏ nhất như quét nhà, lau bàn, phô tô, sắp xếp giấy tờ. Đừng nghĩ em học Quản trị thì em phải làm bàn giấy, level cao, em không làm mấy việc vặt đó đâu

8. Nên bắt đầu với công ty nhỏ

Hãy bắt đầu với một công việc ở một công ty nhỏ, nếu có thể.
Lý do:
– Mới ra trường, khó được nhận vào công ty to hay tập đoàn (phần đa là chuẩn rồi )
– Công ty to thường khá chuyên môn hóa, thằng nào biết việc thằng đó, kết nối không xuyên suốt. Dẫn tới việc ngày nào cũng chỉ biết việc đó, lặp đi lặp lại đâm dễ chán
– Công ty bé thì cái gì cũng rơi vào đầu, đến tay nên xử lý được hết, tha hồ kinh nghiệm. Nay mai làm gì cũng được, vì va chạm nhiều rồi
– 95% công ty Việt Nam là nhỏ, 85% siêu nhỏ , lấy đâu ra công ty to mà vào
(Việt Nam có khoảng 1200 công ty giao nhận, phần đa đều rất nhỏ (theo danh sách đăng ký. Tuy nhiên có thể con số này lên tới nhiều ngàn doanh nghiệp Logistics. Có khoảng 66000 doanh nghiệp có đăng kí hoạt động kinh doanh Xuất nhập khẩu)
– Nếu có thể, hãy bắt đầu với vị trí Giao nhận (Ops) rồi tích đủ kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng ngoại ngữ hãy chuyển sang Sales . Vậy là hoàn hảo lộ trình đó

9. Có một sức khỏe tốt và nghĩ mình vẫn trẻ

Vị trí công việc nào cũng cần sức khỏe, nên hãy lo cho bản thân mình. Doanh nghiệp cần một chiến binh khỏe mạnh đủ sức chiến đấu, nhất là các vị trí như Hiện trường (Ops) và Sales quốc tế.
Bí kíp:
– Ăn đủ 3 bữa, bữa sáng ăn nhiều và no nhất
– Ăn nhiều rau xanh, uống đủ 35ml nước/kgs cơ thể/ngày
– Dành thời gian và tiền đi tập gym, chịu khó thể thao. Relax tâm hồn bằng việc xem phim và du lịch khi quá stress
– Nói dối về tuổi của mình
– Cố gắng có GẤU tránh FA, tinh thần sẽ rất khoan khoái và làm việc tốt

10. Kinh nghiệm là lợi thế – Đủ già khi đủ tốt

– Đừng quá sợ khi nơi nào cũng yêu cầu 1 năm kinh nghiệm nếu bạn có đủ kiến thức nền và kỹ năng tốt, thái độ nghiêm túc với công việc thì cứ tự tin ứng tuyển nhé. Thất bại là khi bạn không dám ứng tuyển thôi
– Không có kinh nghiệm nhiều khi lại là 1 lợi thế: 1 trang giấy trắng nếu được nắn và rèn rũa theo phong cách của công ty thì sẽ theo công ty, làm được việc
– Lợi thế là sức trẻ, nhiệt huyết nhưng phải 100% cố gắng và thái độ muốn học hỏi, đóng góp
– Dành thời gian sinh viên đi làm thêm lấy kinh nghiệm của nhiều vị trí khác nhau, mỗi vị trí đều có giá trị trải nghiệm khác nhau. Nhà tuyển dụng đánh giá cao điều này
– Mỗi người học và tiếp thu khác nhau. Nhanh nhạy thì 6 tháng có thể làm cứng như người 2 năm. Không phải làm lâu là giỏi hơn, quan trọng là phải chủ động

Chia sẻ trên đây chỉ mong các em sinh viên ghi nhớ và áp dụng hiệu quả với bản thân.
Chúc các em học tập và làm việc hiệu quả nhất!

Mr Ha Le 0985774289
 

Tìm thành viên

Top