Tâm sự NHỮNG KHÓ KHĂN CỦA NGHỀ GIAO NHẬN XUẤT NHẬP KHẨU

Smile

Well-Known Member
Bài viết
292
Reaction score
392
"Hôm nay mình xin chia sẽ về những khó khăn của anh em giao nhận, mình biết là chưa có bài viết nào nói về vấn đề này vì mấy ông giao nhận thì toàn chạy ngoài đường có ông nào viết blog đâu, còn mấy ông mà viết blog thì suốt ngày ngồi viết rồi chém mà đa số những ông ngồi viết thì toàn là bộ phận sales hay marketing thôi hehe.

Sở dĩ mình viết vấn đề này là để giúp các bạn sinh viên mới ra trường hay những người giao nhận mới vào nghề có cái nhìn tổng quan về nghề giao nhận và đôi lúc cảm thấy chán nản trong công việc hay áp lực thì xem qua để biết rằng tất cả anh em giao nhận đều đã qua cảm giác như vậy và để có thêm động lực để tiến tới.

1. Giao nhận phải biết rành hết đường đi.

Giao nhận suốt ngày phải chạy nhong nhong ngoài đường, mưa nắng gió gì cũng phải làm vì trễ một lô hàng thì số tiền phát sinh lên đến tiền triệu, chục triệu… Giao nhận là bản đồ sống của công ty, biết công ty A ở đâu công ty B ở chỗ nào, hãng tàu Cosco, hãng tàu Evergreen, Hãng tàu SML, Cảng ở đâu, Depot ở chỗ nào… quán cà phê nào tiện đường, quán ăn lề đường nào ngon, sạch sẽ vừa túi tiền,… Ôi thôi các bạn muốn đi đâu trong thành phố cứ hỏi đường của giao nhận thì sẽ biết được đường đi ngắn nhất hehe. Còn những bạn giao nhận mới vào làm thì ôi thôi đi đâu cũng phải hỏi.

2. Mưa, nắng, sương, gió gì cũng phải chạy ngoài đường.

Những ngày chạy ngoài đường thì có khi bị cái nắng muốn lột da ra luôn mà vẫn phải chạy chỗ này chỗ kia có khi một ngày chạy lên đến 100 cây số ngoài đường mất 3 – 4 tiếng chạy xe, có khác gì dân phượt thứ thiệt đâu nhĩ. Có những ngày thì mưa tầm mưa tả mưa không có lối về nhưng mưa thì mưa mà làm thì làm, đặc biệt hôm đó mà anh nào kiểm hóa là no đòn với mấy anh Hải Quan luôn nhĩ.

3. Nguy hiểm luôn rình rập

Như các bạn đã đọc tin tức trên báo, tin tức trên facebook những tai nạn ngoài cảng cũng thường xảy ra nguyên do là do các anh giao nhận chạy ra cảng nhưng vì áp lực lô hàng áp lực hối hàng của khách, của sếp nên chân thì đi đầu thì cắm vào điện thoại trả lời tin nhắn hối hàng, hỏi hàng… Không chú ý xung quanh nên đôi lúc xảy ra tình cảnh thương tiếc, Lúc thì bị xe trong cảng tông, hay rủi ro đi ngang container đang cẩu bị rớt, container rớt, cần cẩu quơ trúng… ôi thôi đủ thứ chuyện. Và có những chuyến hàng gấp thì lại chạy ngoài đường như một tay đua thứ thiệt, chạy vận tốc cao để kịp giờ làm việc. Mấy ai hiểu cho các anh giao nhận cực khổ nhường nào.
Một lời khuyên cho anh em giao nhận là dù có gấp đến đâu vẫn nên cẩn thận vì tính mạng là quan trọng nhất.

4. Giao nhận phải có mối quan hệ

Mối quan hệ ở đây là với Hải Quan phải nhìn có cảm tình thân thiết thì mấy anh Hải Quan mới làm nhanh chứ không thì mấy ảnh làm từ tốn lắm. Giao nhận là phải biết nhịn, một lần nhịn là một lần làm hàng sớm hơn… Đến hãng tàu thì ăn nói vừa phải, nói chuyện với hải quan dạ thưa, kiểm dịch thực vật, đến cả mấy ông cắt seal, xe nâng cũng như vậy… Gặp ai cũng dạ dạ thưa thưa để cho xong chuyện càng nhanh càng tốt.

5. Giao nhận phải biết cách làm việc của từng nơi

Cái này thì ôi thôi các bạn à, Hãng tàu A thì lấy lệnh phải cược cont đóng tiền nhưng đóng tiền thì không phải đóng ngay chỗ hãng tàu mà là ngân hàng nằm ở dưới đất kế bên hãng tàu, qua ngân hàng lại có thêm quy trình đóng tiền của ngân hàng, sau đó đóng tiền xong lại lên hãng tàu để làm thêm đống thủ tục nữa, có những hãng tàu ít người làm nữa tiếng xong có những hãng tàu vì cái quy trình dài dòng và khách lại đông thì 1 buổi 4 tiếng mà chỉ đi được một hãng tàu thôi. Mỗi hãng tàu mỗi cách làm không ông nào giống ông nào.

Còn cách làm việc với mấy anh Hải Quan nữa, phải biết ông này tính thế nào nói chuyện ra sao, ông kia như thế nào, bà kia làm việc sao. Để khi mở tờ khai luồng vàng biết cách mà nói chuyện. còn kỹ năng đút lót cũng phải học, không phải vào quăng tiền vào là nhận, mà đưa tiền không đúng cách đôi khi bị xúc phạm tự trọng mấy ông bà lại nói không phải làm vì tiền là được… vậy mà nói xong vẫn cứ nhận mà nhận nhiều hơn lúc chưa nói thôi.
Quy trình làm việc của mấy anh trên kiểm dịch thực vật, kiểm tra chất lượng, kiểm dịch động vật, các cảng cạn,… Giao nhận mới vào làm là châm ngôn đi đến đâu hỏi đến đó cho xong.

6. Những trường hợp mất tiền ngu

Cái này thì đầy luôn các bạn à, khi vấn đề xảy ra chỉ cần sai một lỗi nhỏ thì phải đền bằng tiền của mình chứ công ty không trả, những lúc điền thông tin sai, những lúc đi làm nhưng lại bỏ quên chứng từ ở nhà, những lúc làm mất chứng từ, những lúc mở container ra bấm seal mà bỏ quên đồ trong container nữa… haha không có cái ngu nào như cái ngu nào các bạn à.

7. Những lúc áp lực công việc

Những lô hàng trong hôm nay bắt buộc phải giao vì đã hứa với khách hàng, hay là hết hạn lưu bãi hoặc là hẹn nhà kho chuẩn bị xe nâng dỡ hàng… Ấy mà khi lên Hải Quan, mấy anh thương vụ, hãng tàu, xe nâng, cắt seal... mấy ảnh đâu quan tâm mấy ảnh làm "từ tốn nhẹ nhàng", vấn đề nằm ở công ty chỉ cho bao nhiêu đó chuối làm hàng nhưng mấy bác hải quan lại muốn nhiều hơn... Nếu bạn là một người có trách nhiệm thì đây là những lúc rất khó khăn và áp lực khi vượt qua nhiều lần bạn sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ, còn nếu bạn không quan tâm, sếp cho sao làm vậy làm được không được thôi không quan tâm khách hàng… chỉ cần làm đúng việc là được thì sẽ đỡ áp lực hơn rất nhiều nhưng bạn cũng không làm tròn trách nhiệm. Giao nhận làm việc cũng rất là áp lực, đúng là làm rồi mới thấy.

Đôi lúc muốn chửi trời chửi đất như chí phèo vậy, nhưng rồi lại thôi lại nhịn để tiếp tục công việc để mọi quy trình xuất nhập hàng được suôn sẻ nhanh chóng.

8. Làm xong việc chứ không phải làm hết giờ

Có những hôm phải ở ngoài cảng đến 8, 9 giờ tối để làm cho kịp hàng, những hôm phải trải bãi đóng container làm đến 12 giờ tối… tay chân muốn rụng rời, người thì đầy bụi bặm, dơ bẩn… nhưng vì vậy mà anh em giao nhận cũng có kỹ năng kiến thức rất nhiều vì cọ sát thực tế làm hàng nhiều nên biết được quy trình sau này sẽ có lúc cần dùng. Đôi khi cũng xong việc lúc 3, 4 giờ chiều được về nhà sớm hehe, những lúc hàng ít thì rãnh ngồi uống cà phê nhăm nhi…

9. Đọc các thông tư văn bản về mặt hàng

Giao nhận cũng phải đọc các thông tư văn bản để hiểu về chính sách mặt hàng để nói chuyện với các anh hải quan, đấy giao nhận là phải văn võ song toàn, để mọi việc trôi chảy thì hải quan hỏi đến đâu trả lời ngay đến đó. Đừng để bị Hải Quan nghi ngờ nhé không là ăn hành đó, bởi vậy nên luyện võ công về mặt hàng trước khi mở tờ khai.

10. Làm được việc thì không ai khen, Làm trễ việc thì đè đầu ra chửi

Khi một lô hàng hoàn thành không có lỗi gì thì đó là chuyện mà sếp xem như chuyện bình thường như ở huyện mà đâu biết các anh em giao nhận đã cố gắng rất nhiều mới được vậy phải trầy da tróc vẫy mới làm được nhưng ai nào biết. Còn khi làm không được việc thì ôi thôi đè ra chửi giao nhận cho bỏ tức hay sao… Cần lắm một người sếp luôn động viên đúng không anh em nhĩ.

11. Gặp nhiều khó khăn nếu không có quan hệ với hải quan

Đôi khi gặp thằng kia vào mở tờ khai hay kiểm hóa với hải quan mà hải quan cho nó thông quan dễ dàng thì nhìn thật là sướng, vì thằng đó là em của bạn của bạn gì gì đấy của chị của hải quan nên ổng làm giúp mà không nói một câu gì, còn mình vào nói hết nước miếng, giải thích đủ đường, Đôi khi chuối dâng tới họng vậy mà các anh ấy vẫn phủ một câu không làm được.

Thôi mình chỉ nói dài dòng về khó khăn vậy thôi. Nhưng vì công việc, vì kiến thức, vì sự nghiệp tương lai, các bạn giao nhận hãy cố gắng lên cứ nghĩ mọi chuyện rồi sẽ qua, khi đã qua được thì mình sẽ lên một tầm cao mới nữa… ngày ngày càng phát triển, chúc các bạn thành công."

Nguồn: Nguyễn Ngọc Trai
 

Tìm thành viên

Top