Đọc báo giùm bạn Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan - Thay thế nghị định 45 và 127

Manh

Active Member
Bài viết
272
Reaction score
135
(HQ Online) - Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và Nghị định 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan).
Đầy đủ nhưng chưa bao quát

Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, Nghị định 127/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP đã được thực hiện từ 1/8/2016. Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hải quan, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của người khai hải quan. Đây cũng là một trong những cơ sở quan trọng trong thực hiện việc đánh giá, phân loại DN làm tiêu chí áp dụng các chế độ ưu đãi thủ tục hải quan, phân luồng hàng hoá khi thực hiện thủ tục hải quan, góp phần cải cách thủ tục hành chính về hải quan, nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động XNK hàng hóa và bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan, sau 3 năm thực hiện, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan cần được sửa đổi, bổ sung bởi một trong những căn cứ pháp lý để ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan như: Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quản lý thuế số 21/2013/QH12 đã được thay thế bằng Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Ngoài ra, một số văn bản khác quy định về chính sách thuế, chính sách mặt hàng, thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, chính sách thuế đối với hàng hóa XNK (đặc biệt là hàng gia công, sản xuất XK, hàng hành lý, quà biếu, quà tặng...) có sự thay đổi tại Luật Thuế XK, thuế NK, Luật Quản lý Ngoại thương, Nghị định 134/2016/NĐ-CP, Nghị định 69/2018/NĐ-CP, Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 59/2018/NĐ-CP. Do vậy, cần thiết phải có Nghị định mới thay thế cho Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan.

Cũng qua tổng kết quá trình thực hiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan sau hơn 3 năm thực hiện, cơ quan Hải quan nhận thấy, tuy Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan đã quy định tương đối đầy đủ, bao quát các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan nhưng quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế.

Cụ thể, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan thiếu chế tài xử phạt một số hành vi vi phạm phát sinh từ các quy định mới về thủ tục hải quan, chính sách thuế, chính sách mặt hàng; một số hành vi vi phạm đã không còn phù hợp về khung phạt tiền, hình thức phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.

Một số hành vi vi phạm không còn phù hợp do đã có những thay đổi từ yêu cầu quản lý; một số hành vi có định danh chưa rõ ràng, chưa phù hợp nên quá trình thực hiện thiếu thống nhất. Một số quy định về cưỡng chế không phù hợp trong thực tiễn nên khi tổ chức thực hiện còn khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, Nghị định 127/2013/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một lần tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP. Việc ban hành một Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan sẽ gây khó khăn cho việc trích dẫn, dẫn chiếu văn bản. Do vậy, cần thiết phải ban hành Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan hiện hành.

Sửa để phù hợp với thực tế

Theo đại diện Vụ Pháp chế, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về hải quan cơ bản kế thừa quan điểm xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, để bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan; phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và tuân thủ theo cam kết, dự thảo Nghị định thay thế sẽ bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh, có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế... Đặc biệt dự thảo Nghị định thay thế sẽ sửa đổi, bổ sung một số hành vi để bảo đảm phù hợp với thực tiễn quản lý của hải quan hiện nay thông qua việc nghiên cứu các vụ việc vướng mắc điển hình phát sinh trong thực tế; đồng thời loại bỏ những hành vi vi phạm không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và không xảy ra trong thực tế.

Cũng theo đại diện Vụ Pháp chế, việc sửa đổi, bổ sung, bỏ hành vi vi phạm hành chính trong dự thảo Nghị định được xây dựng trên cơ sở quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo đó, hành vi vi phạm được sửa đổi, theo hướng, hành vi vi phạm phải được xem xét tổng thể từ biểu hiện về mặt hình thức đến biểu hiện về nội dung (làm rõ mục đích cuối cùng của việc thực hiện hành vi vi phạm đó là gì) để tránh chồng chéo hoặc áp dụng quy định nào cũng được (nguyên tắc này được thể hiện cụ thể ở các Điều 12 (vi phạm quy định về giám sát hải quan), Điều 15 (vi phạm chính sách quản lý hàng hóa XNK) của dự thảo Nghị định...

Dự thảo Nghị định gồm 76 Điều và 3 Chương. Trong đó, Chương I, gồm 27 Điều, quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hải quan; Chương II gồm 45 Điều, quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính lĩnh vực hải quan và Chương III- gồm 4 Điều, quy định điều khoản thi hành. Để hoàn thiện dự thảo Nghị định, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp rộng tại từ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố, DN liên quan.
https://haiquanonline.com.vn/du-tha...nh-kha-thi-va-phu-hop-voi-thuc-te-113042.html
 

Tìm thành viên

Top