Chia sẻ HÀNG NHẬP KHẨU KHÔNG THỂ HIỆN NHÃN HÀNG VÀ XUẤT XỨ BỊ PHẠT NHƯ THẾ NÀO?

Chaien

Administrator
Thành viên BQT
Bài viết
1,008
Reaction score
939
1. Trường hợp nào không cần ghi nhãn hàng hóa trên sản phẩm?

- Bất động sản;
- Hàng hóa tạm nhập tái xuất; hàng hóa tạm nhập để tham gia hội chợ, triển lãm sau đó tái xuất; hàng hóa quá cảnh, hàng hóa chuyển khẩu;
- Quà biếu, tặng; hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; tài sản di chuyển.
Ngoài các đối tượng quy định tại các điểm a, b và c khoản này, tùy theo sự phát triển của thị trường, cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa sẽ đề xuất bổ sung.
(Khoản 2 Điều 1 Nghị định 89/2006/NĐ-CP)

2. Nội dung nào bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa?

- Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau:
+ Tên hàng hóa;
+ Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
+ Xuất xứ hàng hóa.
- Ngoài nội dung quy định tại trên, tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa, phải thể hiện trên nhãn hàng hóa các nội dung bắt buộc quy định tại Điều 12 của Nghị định 89/2006/NĐ-CP và quy định tại các văn bản luật, pháp lệnh chuyên ngành có liên quan.
(Điều 11 Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006)

3. Cơ quan nào có thẩm quyền xử lý vi phạm về nhãn hàng hóa?

- Các cơ quan công an nhân dân, hải quan, quản lý thị trường, quản lý chất lượng hàng hóa, thanh tra chuyên ngành và các cơ quan khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về nhãn hàng hóa được quyền xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
(Điều 24 Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006)

- Tuy nhiên trong quá trình làm thủ tục hải quan cho hàng nhập khẩu, cơ quan hải quan sẽ không xử phạt khi:
+ Trường hợp nhãn gốc không thể hiện đầy đủ nội dung theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP cơ quan hải quan không xử phạt, nhưng chủ hàng hóa nhập khẩu phải chịu trách nhiệm bổ sung nhãn phụ trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
+ "Nhãn gốc của hàng hóa" là nhãn thể hiện lần đầu được gắn trên hàng hóa. "Nhãn phụ" là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc dịch từ nhãn gốc của hàng hóa bằng tiếng nước ngoài ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt theo quy định của pháp luật mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.
(Công văn Số: 14397/BTC-TCHQ ngày 10 tháng 10 năm 2014)

4. Nhãn hàng hóa và C/O:

Việc hàng hóa nhập khẩu vi phạm quy định về nhãn tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP không phải là lý do để từ chối cho được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt khi người khai hải quan nộp C/O ưu đãi (trừ trường hợp vi phạm nghiêm trọng buộc tái xuất, hủy, tịch thu hàng hóa). Do vậy, nếu không có nghi ngờ nào khác về xuất xứ thì sẽ chấp nhận cho lô hàng nhập khẩu hưởng thuế xuất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo quy định.
(Công văn số: 5825/TCHQ-GSQL ngày 03 tháng 10 năm 2013)

5. Mức phạt vi phạm về nhãn hàng hóa:

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
+ Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không có nhãn hàng hóa theo quy định pháp luật;
+ Nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam mà trên nhãn thể hiện chưa đúng, đủ những nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật;
(Điểm Đ và E khoản 5, điều 14, Nghị định 127/2013/NĐ-CP)

- Tuy nhiên theo công văn: 6011/TCHQ-GSQL của Tổng Cục Hải Quan có kiến nghị:
"- Đối với lô hàng phải kiểm tra thực tế khi làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu thực tế hàng hóa theo quy trình thủ tục hải quan hiện hành, không kiểm tra việc dán nhãn trên hàng hóa khi nhập khẩu (bao gồm cả nhãn gốc và nhãn phụ), không xử phạt vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định về nhãn hàng hóa, trừ trường hợp cơ quan hải quan phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có yêu cầu về bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp chịu trách nhiệm dán nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
- Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về dán nhãn hàng hóa khi đưa ra lưu thông trên thị trường theo quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP."


6. Một số điều còn bất cập:

- Trong thực tế có nhiều trường hợp mà trên hàng hóa không thể thể hiện được nhãn của hàng hóa: như các mặt hàng là linh kiện, phụ tùng nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp, thay thế; máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhập khẩu để phục vụ sản xuất; (trường hợp di chuyển toàn bộ nhà máy đang hoạt động sang Việt Nam thì không thể có nhãn của nhà sản xuất ra máy móc thiết bị) hàng hóa không có bao bì, đóng gói hoặc do yêu cầu bảo quản vận chuyển không thể đảm bảo nguyên trạng nhãn trên sản phẩm,...

Các bạn tải: Nghị định 89/2006/NĐ-CP; Công văn 14397/BTC-TCHQ; Nghị định 127/2013/NĐ-CP theo file đính kèm nhé.

Lưu ý: Đã có nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP (Bài viết trên được thực hiện khi chưa có nghị định Số: 43/2017/NĐ-CP)
 

Đính kèm

Sửa lần cuối:

Tìm thành viên

Top