Đọc báo giùm bạn ĐÚNG HAY SAI? VỤ KIỆN LỊCH SỬ CỦA NGÀNH XUẤT NHẬP KHẨU?

Smile

Well-Known Member
Bài viết
292
Reaction score
392
Ngày 18/11/2016, Công ty TNHH TM XNK quốc tế Minh Giang (viết tắt là Cty Minh Giang) ký Hợp đồng mua của hãng Thiele (Đức) các mặt hàng xích nâng tải và các bộ phận rời của xích. Các mặt hàng này được Thiele, Phòng Công nghiệp và Thương mại, Hải quan Cộng hòa Liên bang Đức phân loại vào nhóm: 7315 (mã hàng hóa quốc tế - HS).

Ngày 8/5/2017, Cty Minh Giang đã làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu hàng hóa số 101393466900-NKD, theo đó: xích các loại từ số thứ tự 01 đến 07 của tờ khai được phân vào nhóm 7315 với mã số 7315.82.00; mức thuế nhập khẩu là 3%. Còn các bộ phận rời của xích gồm: móc xích, mắt nối xích, vòng xích chủ, vòng xích 2 chân, móc thu ngắn xích các loại từ số 08 đến 42 của tờ khai được phân vào nhóm 7315 với mã số 7315.90.99; mức thuế nhập khẩu là 3%.

Cty Minh Giang đã nhận được thông báo thuế phải nộp là 107.305.394 đồng. Số tiền này, Cty đã nộp vào ngân sách theo tài khoản của Chi cục Hải Quan cửa khẩu Cảng Đà Nẵng (viết tắt là Chi cục HQCKC Đà Nẵng) tại kho bạc quận Sơn Trà. Tuy nhiên, ngày 10/5/2017, Chi cục HQCKC Đà Nẵng yêu cầu kiểm hóa 100% lô hàng, sau đó lấy mẫu gửi đi phân tích, phân loại. Đến ngày 28/7/2017, Chi cục HQCKC Đà Nẵng có công văn số 1096/HQCĐN gửi cho Cty Minh Giang, thừa nhận xích các loại (từ số 01 đến 07 trong tờ khai) thuộc mã hàng 7315.82.00; còn các bộ phận rời của xích (từ số 08 đến 42 trong tờ khai) thì lại đưa sang mã 7326.90.99.

Ngày 9/8/2017, Chi cục HQCKC Đà Nẵng có quyết định số 59677/QĐ-HQCĐN ấn định thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu (từ số 08 đến số 42) thuộc tờ khai hải quan của Cty Minh Giang. Lý do ấn định thuế: “theo kết quả phân loại hàng hóa của Chi cục”. Số tiền thuế phải nộp chênh lệch sau ấn định là: 35.733.888 đồng.

Không đồng ý với quyết định trên, Cty Minh Giang đã khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên hủy Quyết định ấn định thuế của Chi cục HQCKC Đà Nẵng và yêu cầu tính lại thuế. Tại bản án sơ thẩm số 01/2018/HC-ST ngày 14/9/2018, TAND quận Sơn Trà đã xử: Bác yêu cầu khởi kiện của Cty Minh Giang nên Cty đã kháng cáo.

Theo Luật sư Trần Hồng Lĩnh – Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng cho rằng kháng cáo của Cty Minh Giang yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, hủy Quyết định số 59677/QĐ-HQCĐN ngày 09/8/2017 của Chi cục HQCKC Đà Nẵng và yêu cầu Chi cục xác định lại mức thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu của Cty là có căn cứ:

Thứ nhất, về thể thức và thẩm quyền ban hành quyết định: Căn cứ điểm (a) khoản 7 điều 48 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015, của Bộ Tài chính quy định: “Khi ấn định thuế cơ quan hải quan phải ban hành quyết định ấn định thuế theo mẫu số 09/QĐAĐT/TXNK phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này”. Tuy nhiên, Quyết định 59677 tại vị trí tên cơ quan ban hành thì ghi là “CHI CỤC HQCK CẢNG ĐÀ NẴNG” nhưng ở vị trí thủ trưởng cơ quan ban hành lại ghi là “CỤC TRƯỞNG CỤC HẢI QUAN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG” và vị trí người ký lại ghi là “CHI CỤC TRƯỞNG” như vậy là lẫn lộn về thẩm quyền và không đúng quy định của Bộ Tài chính.

Tại Bản án sơ thẩm xử: “Kiến nghị Chi cục trưởng Chi cục HQCKC Đà Nẵng sửa chữa Quyết định số 59677 theo đúng biểu mẫu số 09 ban hành kèm Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính…”. Vậy sửa chữa bằng cách nào? Theo Điểm (c) khoản 7 điều 48 Thông tư 38/2015/TT-BTC quy định “… khi có cơ sở xác định quyết định ấn định không đúng thì ban hành quyết định huỷ quyết định ấn định theo mẫu số 10/HQĐAĐT/TXNK Phụ lục VI ban hành kèm Thông tư này”. Do vậy, theo luật, Chi cục trưởng Chi cục HQC Đà Nẵng cần phải hủy Quyết định số 59677.

Thứ hai, về căn cứ phân loại hàng hóa và quyết định ấn định thuế: Nội dung quyết định số 59677 không hề đưa ra căn cứ, lý do gì để phân loại hàng của doanh nghiệp vào nhóm mã hàng 7326 mà chỉ có công văn số 261/KĐ-NV ngày 15/6/2017, của Chi cục Kiểm định HQ4 gửi Chi cục HQCKC Đà Nẵng nói là “hỗ trợ phân tích, phân loại hàng hóa” nhưng không hề phân tích về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa, cũng không căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật mà áp đặt luôn các mặt hàng từ số 08 đến số 42 trong tờ khai của doanh nghiệp thuộc nhóm mã hàng 7326 là vi phạm khoản 1 Điều 26 Luật HQ số 54/2014/QH13 và khoản 2 Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP quy định: “Khi phân loại hàng hóa phải căn cứ vào hồ sơ hải quan, tài liệu kỹ thuật và các thông tin về thành phần, tính chất lý, hóa, tính năng, công dụng của hàng hóa”.

Bản thân công văn số 261/KĐ-NV cũng tự nhận chỉ là “hỗ trợ phân tích, phân loại hàng hóa” chứ không phải là kết luận giám định và người ký không phải là giám định viên nên công văn này không có giá trị làm căn cứ để Chi cục HQCKC Đà Nẵng đưa vào nhóm mã hàng 7326 và ra quyết định ấn định thuế, cũng như không có giá trị làm căn cứ để giải quyết vụ án này.

Căn cứ vào các quy định trên và hồ sơ hàng hóa xuất, nhập khẩu đã được Hải quan Cộng hòa Liên bang Đức phân loại vào nhóm mã hàng 7315 trong Danh mục HS, lẽ ra Hải quan Việt Nam phải phân loại vào cùng nhóm mã hàng đó mới đúng. Nhưng Chi cục HQCKC Đà Nẵng lại phân loại vào nhóm mã hàng 7326 là không có căn cứ pháp luật. Hơn nữa, khi mà Việt Nam đã tham gia “Công ước quốc tế về Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa” thì không thể có việc cùng một loại hàng, Hải quan cảng xuất phân vào nhóm mã hàng này, Hải quan cảng nhập lại phân vào nhóm mã hàng khác.

Việc Chi cục HQCKC Đà Nẵng phân loại các bộ phận rời của xích từ số 08 đến số 42 trong tờ khai của doanh nghiệp (móc xích, mắt nối xích, vòng xích chủ, vòng xích 2 chân, móc thu ngắn xích các loại) vào nhóm mã hàng hóa 7326 là không có căn cứ pháp luật, vì: trong chú giải chi tiết Danh mục HS đã chỉ ra rất rõ hàng hóa thuộc nhóm 7315 bao gồm: “Xích và các bộ phận rời của xích bằng sắt hoặc thép; tất cả những loại xích này có thể được gắn với các bộ phận hoặc các phụ tùng cuối cùng (ví dụ các móc, móc lò xo, khớp mắt xích, vòng kẹp, ống nối và các chi tiết chữ T); các bộ phận rời bằng sắt hoặc thép của các loại xích chuyên dụng ví dụ như mắt nối lề, con trượt, vít ép, … đối với xích được nối bản lề, mắt nối và vòng kẹp đối với xích không được nối bản lề cũng thuộc vào nhóm này.

Thư giải thích của hãng Thiele - Cộng hòa Đức (ngày 10/10/2017) cũng chỉ rõ các bộ phận rời của xích có số thứ tự từ 08 đến 42 trong tờ khai của Cty Minh Giang “không chỉ là sản phẩm rèn, dập mà chúng đã được gia công hoàn thiện, đã được tinh luyện, xử lý nhiệt đặc biệt và phủ bề mặt, là một phần của xích để kết nối với xích tạo thành chuỗi nâng hoàn chỉnh”. Còn mã 7326 trong chú giải chi tiết danh mục HS chỉ là: “Các sản phẩm khác bằng sắt hoặc thép đã được rèn hoặc dập nhưng chưa được gia công tiếp.

Vì các lý do trên có thể khẳng đinh; Việc phân loại hàng hóa, quyết định ấn định thuế của Chi cục HQCKC Đà Nẵng đối với các bộ phận rời của xích từ số thứ tự 08 đến số 42 trong tờ khai của Cty Minh Giang vào nhóm mã hàng 7326 là không có căn cứ pháp luật; Vi phạm điểm (a), điểm (c) khoản 7 điều 48 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính; Vi phạm khoản 1 Điều 26 Luật HQ số 54/2014/QH13 và khoản 2 Điều 16 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ; Vi phạm khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 14/2015/TT-BTC ngày 30/01/2015 của Bộ Tài chính.

Cũng theo Luật sư Trần Hồng Lĩnh - Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng: Đề nghị Toà án nhân dân TP Đà Nẵng xem xét hủy bản án sơ thẩm số 01/2018/HC-ST ngày 14/9/2018, TAND quận Sơn Trà; hủy quyết định ấn định thuế số 59677/QĐ-HQCĐN ngày 09/8/2017 Chi cục HQCKC Đà Nẵng; yêu cầu Chi cục HQC Đà Nẵng xác định lại mức thuế nhập khẩu hàng hóa đối với Cty Minh Giang theo đúng quy định của pháp luật.

Nguồn: báo Tầm nhìn.


 

Tìm thành viên

Top