Chia sẻ CÁC QUY ĐỊNH, CHÍNH SÁCH TRONG LĨNH VỰC LOGISTICS - SỐ THÁNG 7/2019

Chaien

Administrator
Thành viên BQT
Bài viết
1,008
Reaction score
939
MỤC LỤC
1. Trong nước:. 2
1.1. Các chính sách về logistics nói chung. 2
1.2. Hạ tầng phục vụ logistics. 3
1.2.1. Quảng Bình cam kết tạo điều kiện thuận lợi để ACV nâng cấp mở rộng sân bay Đồng Hới 3
1.2.2. Tp. Hà Nội kiến nghị cơ chế đặc thù cho đầu tư xây dựng đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố. 4
1.3. Vận tải 6
1.3.1. Hàng hải 6
1.3.2. Đường bộ. 7
1.3.3. Đường sắt:. 8
1.4. Chính sách khác. 8
2. Ngoài nước:. 11
2.2. Trung Quốc và Hàn Quốc. 12
2.3. Mạng lưới kinh doanh hàng hải toàn cầu. 13
2.4. Philippines:. 14
2.5. Hungary phát triển giao thông công cộng thân thiện môi trường. 15
2.6. New Zealand đề xuất trợ giá cho ô tô sử dụng năng lượng xanh. 15


Các bạn tải file word cuối bài viết nhé


NỘI DUNG BÁO CÁO

1. Trong nước:

1.1. Các chính sách về logistics nói chung

Trong hai năm 2017 và 2018, nhiều địa phương trên cả nước ban hành kế hoạch phát triển logistics trên địa bàn của mình. Bước sang năm 2019, các địa phương cũng đã ban hành và triển khai các chính sách quan trọng về phát triển logistics trên địa bàn, một số ví dụ tiêu biểu như:

Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 08/01/2019 về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố. Trước đó, trong năm 2018, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 13/2/2018 phê duyệt Đề án “Quản lý và phát triển hoạt động logistics trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2025”.

+ Ngày 14/3/2019, UBND thành phố Hải Phòng đã ban hành quyết định số 549/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

+ Ngày 23/4/2019, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

+ Nhận thức được tầm quan trọng của ngành dịch vụ logistics, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã giao Sở Công thương thành phố chủ trì xây dựng Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đánh giá thực trạng, nghiên cứu kinh nghiệm của quốc tế, đề án cần đưa ra các giải pháp hữu hiệu để phát triển logistics thành ngành dịch vụ mũi nhọn của thành phố, trở thành đầu mối của khu vực và góp phần kéo giảm chi phí logistics.


1.2. Hạ tầng phục vụ logistics

1.2.1. Quảng Bình cam kết tạo điều kiện thuận lợi để ACV nâng cấp mở rộng sân bay Đồng Hới

Trong tháng 7/2019, UBND tỉnh Quảng Bình đã làm việc với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) về kế hoạch phát triển Cảng Hàng không Đồng Hới.

Cảng Hàng không Đồng Hới là cảng hàng không nội địa dùng chung dân dụng và quân sự. Theo quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, đến năm 2030, công suất Cảng sẽ đạt 3 triệu hành khách/năm.

Untitled.png

Hình: Cảng hàng không Đồng Hới (Quảng Bình)

Để đáp ứng yêu cầu phát triển, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đã lập quy hoạch thực hiện các Dự án Đầu tư phát triển cảng hàng không Đồng Hới trong thời gian tới.

Cụ thể sẽ triển khai Dự án Đầu tư xây dựng nhà ga hành khách với công suất và quy mô thiết kế 3 triệu hành khách/năm, tổng mức đầu tư trên 1.220 tỷ đồng; mở rộng thêm 8 vị trí đỗ máy bay, nâng tổng vị trí đỗ máy bay lên 12 vị trí với tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng; xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam mong muốn UBND tỉnh Quảng Bình sẽ đồng thuận và hỗ trợ Công ty trong quá trình triển khai xây dựng Dự án cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng khu đất quốc phòng (với diện tích chuyển đổi dự kiến 10,6 ha), vấn đề triển khai kho hàng hóa tạm trong quá trình đầu tư xây dựng...

Trước các đề xuất từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Chủ tịch UBND cho biết tỉnh Quảng Bình đồng thuận với chủ trương của ACV và sẽ có cơ chế linh hoạt về các thủ tục để hỗ trợ đơn vị thực hiện Dự án này. Trong đó, giao các sở ngành nghiên cứu tham mưu kịp thời việc bố trí diện tích đất phục vụ triển khai các dự án nhà ga hành khách và sân đỗ máy bay.

1.2.2. Tp. Hà Nội kiến nghị cơ chế đặc thù cho đầu tư xây dựng đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố.

Tại kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội, trong phiên giải trình chất vấn về các nội dung thực hiện Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, nhiều đại biểu hết sức quan tâm đến cơ chế, chính sách đầu tư của TP. Hà Nội đối với hai chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup và T&T đang đề xuất thực hiện dự án các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, sau khi Thành phố công bố danh mục kêu gọi đầu tư các dự án đường sắt theo hình thức PPP tại hai Hội nghị hợp tác phát triển năm 2017 và 2018 đối với 8 tuyến đường sắt trên địa bàn, đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, trong quá trình cân đối nguồn lực, Thành phố đã thảo luận và chỉ đạo trước mắt sẽ tập trung vào 3 tuyến đường sắt: Tuyến số 2 đoạn Trần Hưng Đạo – Thượng Đình, Tuyến số 5 Văn Cao – Hoà Lạc và Tuyến số 3 đoạn Nhổn - Trôi - Đan Phượng. Trong đó, riêng 2 tuyến đường sắt số 3 và số 5 do Tập đoàn Vingroup và T&T đề xuất đầu tư dự án này theo hình thức PPP.

Về hình thức thức đầu tư của hai dự án này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tham mưu cho Thành phố đề xuất với Chính phủ về cơ chế triển khai thực hiện dự án này theo 2 dự án thành phần để độc lập với nhau. Trong đó, dự án thành phần đầu tư bằng ngân sách cho phần depot, hỗ trợ tái định cư cũng như mua sắm đầu máy toa xe, thiết bị và hệ thống an toàn theo quy định của Luật Đầu tư công. Dự án thành phần thứ 2 sẽ theo hình thức BT cho việc xây dựng nhà ga, depot, đường trên cao…

Đây là 2 nội dung liên quan đến cơ chế đặc thù mà Sở đã báo cáo lên thành phố và Chính phủ. Ngoài ra, hai nhà đầu tư cũng đang xây dựng những báo cáo về tính khả thi để báo cáo Chính phủ và trình Quốc hội.

Liên quan đến hình thức PPP, Bộ Tài Chính đã có văn bản báo cáo Chính phủ cho phép tạm dừng việc triển khai các dự án theo hình thức này để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách chung sau đó mới triển khai thực hiện. Do đó, Thành phố Hà Nội sẽ chờ Nghị định này được ban hành để xây dựng các cơ chế cũng như sớm triển khai 2 dự án đường sắt quan trọng này.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 284 km. Trong đó, riêng Tập đoạn Vingroup đề xuất UBND TP. Hà Nội cho phép tham gia nghiên cứu đầu tư các đoạn tuyến trong 5 tuyến đường sắt đô thị: Tuyến số 2: đoạn Nội Bài - Nam Thăng Long; Tuyến số 3: đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai (Yên Sở) và đoạn Nhổn - Trôi - Sơn Tây; Tuyến số 5: đoạn Văn Cao - Vành đai 4 và đoạn Vành đai 4 - Hòa Lạc; Tuyến số 6: đoạn Nội Bài - Phú Diễn - Hà Đông - Ngọc Hồi; Tuyến số 8: đoạn Sơn Đồng - Mai Dịch và đoạn Mai Dịch - Vành đai 3 - Dương Xá.

1.3. Vận tải

1.3.1. Hàng hải
Cục Hàng hải Việt Nam vừa công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Cục Hàng hải được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận một cửa (BPMC).

Theo đó, trong số 14 TTHC được công bố, các TTHC được tiếp nhận và trả kết quả tại BPMC cơ quan Cục Hàng hải VN bao gồm: Thủ tục đến cảng biển đối với tàu thuyền nước ngoài thực hiện các hoạt động về nghiên cứu khoa học, nghề cá, cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm, lai dắt hỗ trợ trong vùng nước cảng biển, xây dựng công trình biển, công trình ngầm, phục vụ khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên,... và các hoạt động về môi trường trong vùng biển Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn là các thủ tục: thỏa thuận việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời; Gia hạn hoạt động của kết cấu cảng biển tạm thời; Công bố đưa luồng hàng hải vào sử dụng đối với trường hợp luồng hàng hải công bố sau thời điểm công bố mở cảng biển hoặc luồng được đầu tư mới, công bố lại; Xác nhận hàng năm giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển; Thủ tục giao tuyến dẫn tàu; Chấp thuận thiết lập và đưa báo hiệu hàng hải vào sử dụng; Thủ tục cấp/cấp lại giấy xác nhận phù hợp về tuyển dụng, cung ứng thuyền viên hàng hải.

Các TTHC được tiếp nhận tại BPMC cơ quan Cục Hàng hải VN và trả kết quả tại BPMC cơ quan Bộ GTVT bao gồm: Thủ tục mở cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi; Công bố mở cảng cạn và công bố mở cảng cạn đối với điểm thông quan hàng hóa đã được phê duyệt chủ trương chuyển đổi thành cảng cạn; Chuyển đổi điểm thông quan hàng hóa XNK thành cảng cạn.

Riêng thủ tục đổi tên cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước, vùng nước, cảng dầu khí ngoài khơi đã được công bố sẽ được tiếp nhận tại BPMC cơ quan Cục Hàng hải VN. Địa điểm trả kết quả sẽ là BPMC cơ quan Cục Hàng hải đối với thủ tục đổi tên bến cảng, cầu cảng, bến phao và khu nước. Thủ tục đổi tên cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi sẽ nhận kết quả tại BPMC cơ quan Bộ GTVT.

1.3.2. Đường bộ
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tháng 7/2019, lực lượng Thanh tra giao thông các Sở Giao thông vận tải, công chức thanh tra các Cục Quản lý đường bộ đã khắc phục các khó khăn về biên chế, kinh phí hoạt động, tập trung thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các nhiệm vụ khác của địa phương, tuy nhiên vẫn tiếp tục duy trì công tác kiểm soát tải trọng xe, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, an toàn giao thông. Đa số các địa phương tiếp tục duy trì hoạt động của trạm KTTTX lưu động kết hợp cân xách tay, tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng xe, đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần ngăn chặn tình trạng xe quá tải tái diễn trở lại.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, do lực lượng thanh tra giao thông, công chức thanh tra còn mỏng, thiếu kinh phí hoạt động, các chủ xe, lái xe lợi dụng các lực lượng chức năng tập trung nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và các nhiệm vụ khác của địa phương, dẫn đến tình trạng xe quá tải có dấu hiệu bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ và một số tuyến đường tỉnh, đường đô thị nơi có các mỏ vật liệu xây dựng, các dự án xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp, bến thủy nội địa…, tình trạng xe sang tải, dồn tải xung quanh khu vực các cảng nhỏ, bến thủy nội địa...

Qua theo dõi và phản ánh của các cơ quan thông tin, báo chí và của người dân về đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã tái diễn trở lại tình trạng xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải và tái diễn tình trạng xe chở quá tải lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường...

1.3.3. Đường sắt:
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động - QCVN 104:2019/BGTVT”.

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động (sau đây gọi tắt là Quy chuẩn) quy định các yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia, nhằm bảo đảm an toàn trong quá trình vận hành.

Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác thiết kế, cung cấp, lắp đặt, giám sát, nghiệm thu, vận hành và bảo trì thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động trên đường sắt quốc gia và đường sắt chuyên dùng có nối ray với đường sắt quốc gia.

Các thiết bị cấu thành hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống thiết bị phòng vệ đường ngang cảnh báo tự động (TBPVĐN CBTĐ) phải được công bố phù hợp Quy chuẩn này theo phương thức 1 “Thử nghiệm mẫu điển hình” quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCNngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

1.4. Chính sách khác

1.4.1. Hỗ trợ xúc tiến thương mại trong phát triển, vận hành hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương

Ngày 30/7/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 11/2019/TT-BCT về việc hướng dẫn thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.

Theo đó, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, Nhà nước hỗ trợ đến 100% kinh phí cho rất nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương, trong đó có hỗ trợ phát triển, vận hành hạ tầng thương mại, logistics phục vụ hoạt động ngoại thương. Cụ thể như sau:

Hỗ trợ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm ở nước ngoài về logistics;

Hỗ trợ mời đoàn doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam trao đổi về cơ hội đầu tư, hợp tác về phát triển dịch vụ logistics, trung tâm logistic phục vụ hoạt động ngoại thương;

Hỗ trợ tổ chức diễn đàn logistics Việt Nam, tổ chức hội chợ, triển lãm quốc tế về logistics tại Việt Nam. Trong đó, với tổ chức diễn đàn quốc tế về logistics tại Việt Nam, quy mô tối thiểu 50 doanh nghiệp Việt Nam, 10 doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực logistics.

1.4.2. Những chính sách cần để phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển nhanh dịch vụ logistics

Trung tuần tháng 7/2019, Bộ Công Thương phối hợp với UBND thành phố Hải Phòng tổ chức hội nghị “Phát triển dịch vụ logistics tại Hải Phòng – nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh liên kết vùng” và chuỗi các hoạt động, sự kiện kết nối phát triển logistics tại Hải Phòng.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc Bộ Công Thương lựa chọn Hải Phòng tổ chức hội nghị phát triển dịch vụ logistics cho thấy rõ vị trí quan trọng và tiềm năng to lớn của Hải Phòng trong phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Hải Phòng hội tụ đầy đủ cả 5 loại hình giao thông, bao gồm đường bộ, đường biển, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không, đặc biệt là cả đường ống, được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, tính kết nối cao. Cùng với đó là sức hấp dẫn của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng; Khu Kinh tế Đình Vũ- Cát Hải; nhiều khu công nghiệp hiện đại; hệ thống dịch vụ hậu cần sau cảng được đầu tư khá bài bản như bãi công-ten-nơ, kho ngoại quan, kho CFS…, cùng các loại hình vận tải đa phương thức rất phong phú.

Những năm qua, có rất nhiều doanh nghiệp lớn tới Hải Phòng đầu tư, tốc độ tăng trưởng của logistics của Hải Phòng cao hơn bình quân chung cả nước, đạt 18% đến 23%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 10-15%. Đặc biệt, Nghị quyết 45 (NQ) của Bộ Chính trị ban hành ngày 24-1-2019 nêu rõ mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao. Quan trọng hơn cả là quyết tâm của Hải Phòng với những cơ chế chính sách cụ thể, rõ ràng; huy động mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư; đề ra các mục tiêu phấn đấu ở mức cao. Có thể khẳng định, Hải Phòng hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành một trung tâm logistics lớn nhất của Việt Nam cũng như khu vực và quốc tế.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới, làm tốt công tác quản lý Nhà nước; cải cách thể thế chế; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương; bảo đảm sự thông thoáng minh bạch, công khai, ổn định, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung và logistics nói riêng. Bộ Công Thương sẽ có các chương trình cụ thể hỗ trợ địa phương trong quản lý nhà nước và đào tạo nhân lực để Hải Phòng thực hiện NQ 45 đạt hiệu quả cao nhất; đạt được các mục tiêu về phát triển logistics mà nghị quyết đề ra.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan xử lý các vấn đề địa phương đang vướng mắc, đang có nhu cầu; tham mưu, đề xuất để có cơ chế điều hành thống nhất của Chính phủ, kết nối liên thông giữa các bộ, ngành đối với hoạt động logistics, bao gồm môi trường; hạ tầng cứng; hạ tầng mềm; định hướng phát triển; nguồn nhân lực…, đặc biệt tập trung cho khu vực trọng điểm về logistics như Hải Phòng. Những vấn đề về tích hợp quy hoạch logistics, đất đai, thuế, cơ chế đặc thù phát triển hạ tầng liên quan tới logistics như kho CFS, khu phi thuế quan… sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành tham mưu, đề xuất cụ thể với Chính phủ…

Về phía thành phố Hải Phòng, cần sớm ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện QĐ 200 của Thủ tướng Chính phủ; QĐ 708 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics; cải thiện chỉ số LPI… Cùng với đó, cần quan tâm hơn nữa trong việc phát huy tối đa lợi thế về địa chính trị, kinh tế; phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ; phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai- Hải Phòng và kết nối đường sắt đến các bến cảng; đẩy mạnh kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc; các địa phương ven biển Đông Bắc cũng như hai hành lang, một vành đai kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; khơi thông, phát triển thị trường logistics, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, tạo điều kiện để doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam nhanh chóng vươn lên, bắt kịp trình độ phát triển của thế giới; giảm chi phí logistics… Cùng với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt bỏ hoặc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến logistics, đặc biệt là ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các khâu, các lĩnh vực liên quan tới logistics; cùng các cơ sở giáo dục trên địa bàn như Trường đại học Hàng hải; Trường đại học Hải Phòng… tăng cường đào tạo nhân lực logistics chất lượng cao…

2. Ngoài nước:

2.1. Ủy ban châu Âu gia hạn các khoản giảm thuế trọng tải của Hà Lan đến năm 2028

Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt gia hạn ba quy định về trọng tải của Hà Lan cho đến ngày 31 tháng 12 năm 2028.

Được phê duyệt lần đầu vào năm 2009 và 2010, ba biện pháp liên quan đến việc giảm thuế suất trọng tải đối với các tàu lớn vượt quá 50.000 tấn, cơ sở thuế giảm trọng tải cho các công ty quản lý tàu và áp dụng các kế hoạch thuế trọng tải cho tàu đặt cáp,, tàu nghiên cứu và tàu cẩu.

Kéo dài của ba biện pháp trên, Hà Lan muốn đóng góp cho ngành hàng hải mạnh mẽ hơn của Hà Lan

Để có được sự chấp thuận của Ủy ban về việc kéo dài, chính quyền Hà Lan đã cam kết thay đổi luật thuế trọng tải liên quan đến các yêu cầu gắn cờ cho các công ty quản lý tàu, yêu cầu ít nhất một tàu gắn cờ Khu vực Kinh tế Châu Âu hoặc EU trong đội tàu. Hà Lan sẽ thực hiện các thay đổi vào ngày 1 tháng 1 năm 2020.

Theo Ủy ban Châu Âu, tác động tài chính của ba biện pháp này được ước tính là 6,5 triệu EUR (7,2 triệu USD) mỗi năm.

2.2. Trung Quốc và Hàn Quốc

Do những khó khăn trong việc thực hiện trao đổi nước dằn an toàn và hiệu quả ở vùng biển giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, chính quyền an toàn hàng hải của Trung Quốc đã đưa ra thông báo miễn cho các tàu đó thực hiện trao đổi nước dằn theo quản lý nước dằn (BWM) quy định quy ước B-4.1 và D-1.

Thông báo này được áp dụng khi thực hiện trao đổi nước dằn theo quy định B-4.1 và D-1 là không thể.

Để đáp ứng các tiêu chí miễn trừ, độ sâu mực nước của tuyến thuyền phải thấp hơn 50 mét hoặc khoảng cách tuyến thuyền phải cách đường cơ sở lãnh hải của cảng đích ở Trung Quốc chưa đến 100 hải lý.

Việc miễn trừ diễn ra từ ngày 1 tháng 6 năm 2019 đến ngày 7 tháng 9 năm 2024,. Đến ngày này, gần như tất cả các đội tàu buôn dự kiến sẽ chuyển sang đáp ứng các yêu cầu của quy định D-2 của công ước BWM và sẽ không cần phải tiến hành trao đổi nước dằn trừ khi trong trường hợp đặc biệt.

Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn 2004, có hiệu lực năm 2016. Theo quy định của công ước, tàu phải có kế hoạch trao đổi nước dằn hoặc hệ thống xử lý nước dằn để tránh việc nước dằn trở thành phương tiện di chuyển các loài thuỷ sinh giữa các khu vực trên thế giới. Các bầu lọc được lắp đặt trong hệ thống để ngăn ngừa sinh vật và các cặn bẩn trong nước biển qua hệ thống xử lý vào các két nước dằn tàu.

2.3. Mạng lưới kinh doanh hàng hải toàn cầu

Các công ty lớn trong ngành hàng hải đã hợp tác với nhà cung cấp giải pháp phần mềm quản lý CargoSmart trong việc thiết lập Mạng lưới kinh doanh vận chuyển toàn cầu (GSBN), một thực thể chia sẻ dữ liệu mới nhằm hỗ trợ ổ đĩa số hóa ngành công nghiệp.

Các công ty và cảng đã ký thỏa thuận dịch vụ với CargoSmart có trụ sở tại Hồng Kông bao gồm CMA CGM, DÒNG HÀNG COSCO, Cảng vận chuyển COSCO, Hapag-Lloyd, Cảng Hutchison, OOCL, Cảng Thanh Đảo, PSA International và Tập đoàn cảng quốc tế Thượng Hải.

Theo hợp đồng, mỗi bên đã cam kết cung cấp các nguồn lực để hỗ trợ công tác chuẩn bị với mục đích thành lập liên doanh phi lợi nhuận GSBN. CargoSmart sẽ cung cấp các giải pháp và dịch vụ phần mềm cho GSBN sau khi được hình thành.

Khi thành lập, liên doanh này sẽ cung cấp một nền tảng cho tất cả những người tham gia chuỗi cung ứng vận chuyển để hợp tác thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển các giải pháp thông qua các nền tảng trao đổi dữ liệu an toàn và đáng tin cậy.

Mặc dù các bên ký kết hiện tại là các hãng tàu và nhà khai thác thiết bị đầu cuối, dự kiến những người tham gia khác trong ngành vận chuyển có thể tham gia GSBN hoặc được hưởng lợi từ các giải pháp mà họ phát triển, CargoSmart giải thích.

Là một phần của công việc chuẩn bị cần thiết để thiết lập GSBN, các bên ký kết có kế hoạch thiết lập khung quản lý và quản trị dữ liệu, bao gồm nguyên tắc người tham gia nên giữ quyền kiểm soát dữ liệu của họ được chia sẻ thông qua GSBN.

Ngoài ra, liên doanh cũng sẽ xem xét và lãnh đạo việc xây dựng lộ trình các trường hợp sử dụng, API truy cập dữ liệu và ứng dụng.

Các bên ký kết các thỏa thuận dịch vụ GSBN có kế hoạch hoàn thành việc thành lập GSBN vào đầu năm 2020, tùy thuộc vào việc có được tất cả các phê duyệt chống tin cậy, cạnh tranh và quy định.

Là một phần của quá trình chuẩn bị hình thành GSBN, CargoSmart cho biết sẽ chạy các ứng dụng thử nghiệm khả năng tồn tại của GSBN và tiềm năng để cung cấp giá trị cho tất cả những người tham gia chuỗi cung ứng.

2.4. Philippines:

Văn phòng giao thông đường bộ Philippines (LTO) sẽ sớm ban hành thông tư ghi nhớ làm rõ các quy tắc về đăng ký và vận hành xe ba bánh chạy bằng điện (là một thành phần của giao thông công cộng)

Cục giao thông vận tải (Department of Transport) DOTr cho biết sẵn sàng hỗ trợ Thành phố Manila hợp lý hóa hệ thống giao thông công cộng để cải thiện trải nghiệm đi lại của công chúng thông qua việc tăng cường di động và kết nối.

Trước đó, vào năm 2017 Thông tư ghi nhớ chung (JMC) 2017-001, do DOTr ban hành với Bộ Nội vụ và Chính quyền địa phương (DILG), nghiêm cấm hoạt động xe ba bánh trên đường quốc lộ. Biên bản ghi nhớ chung 001 Sêri 2017 của DOTr và DILG tuyên bố rõ ràng rằng hoạt động của xe ba bánh chỉ nên được giới hạn trong phạm vi nội đô, không phải dọc theo quốc lộ và chỉ ở các tuyến đường không có các phương tiện giao thông công cộng.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương có thể cho phép loại hình này hoạt động trên đường quốc lộ nếu không có các phương thức hoặc tuyến giao thông công cộng thay thế khác.

Năm 2018, cơ quan năng lượng quốc gia Philippines (DOE) cung cấp cho DOTr khoảng 200 đơn vị xe điện để hỗ trợ vận chuyển thân thiện với môi trường cho khách du lịch ở Boracay, những chiếc xe điện này đã được triển khai tại các khu vực nghỉ dưỡng trên đảo, chứ không phải trên quốc lộ.

2.5. Hungary phát triển giao thông công cộng thân thiện môi trường

Chính phủ Hungary vừa thông qua chiến lược phát triển giao thông công cộng trong 10 năm tới, với mục tiêu thay thế các xe buýt chạy nhiên liệu hiện có bằng xe buýt điện thân thiện môi trường.

Theo chiến lược được Bộ Công nghệ và Sáng tạo đệ trình, Hungary sẽ thử nghiệm thay thế các xe ô tô buýt có động cơ đốt trong sử dụng nhiên liệu hiện nay trong 2-3 năm tới, và đến năm 2029 toàn bộ 7.500 xe buýt chạy bằng nhiên liệu sẽ không còn tồn tại và thay vào đó là các xe buýt chạy bằng điện. Chính phủ sẽ trợ giá 36 tỷ forint - HUF tiền Hungary, tương đương 120 triệu Euro để thực hiện chiến lược trên.

việc đưa vào sử dụng đại trà xe buýt điện, Hungary sẽ phát triển hệ thống giao thông công cộng thân thiện môi trường trong những năm tới, nhằm đáp ứng yêu cầu của tính trung lập về khí hậu và bảo vệ môi trường.

Khảo sát mới đây cho thấy giá thành của xe buýt điện đắt hơn giá xe buýt chạy bằng nhiên liệu hiện nay từ 25-30%, nhưng điều hành hệ thống lại rẻ hơn khá nhiều. Bộ Công nghệ và Sáng tạo Hungary cho rằng về lâu dài việc sử dụng xe buýt điện không những giúp bảo vệ môi trường mà còn tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.

Xe buýt điện đầu tiên được đưa vào vận hành thử nghiệm vào đầu năm nay tại Hungary và được đông đảo lái xe và người tiêu dùng đón nhận. Theo luật mới ban hành, bắt đầu từ năm 2022 chỉ có xe buýt điện được phép tham gia giao thông công cộng.

2.6. New Zealand đề xuất trợ giá cho ô tô sử dụng năng lượng xanh

Chính phủ New Zealand vừa đưa ra đề xuất trợ giá cho các loại xe hybrid (xe chạy bằng điện và xăng), xe chạy điện hoặc tiết kiệm nhiên liệu. Biện pháp này sẽ giúp người tiêu dùng bớt đắn đo khi chuyển đổi sang các "phương tiện Xanh", qua đó góp phần vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Chính phủ New Zealand cũng có kế hoạch áp đặt khoản phí lên tới 2.010 USD đối với các phương tiện gây ô nhiễm cao khi chúng được bán lần đầu tiên ở nước này. Trong khi đó, mức phí trợ cấp cho người mua xe điện và xe hybrid lên tới 5.360 USD.

Theo Bộ Giao thông vận tải New ZealandÔ tô con và xe tải nhỏ mà chúng ta sử dụng hàng ngày là nguồn gây ô nhiễm nhanh nhất, chiếm tới gần 70% lượng khí thải từ xe cộ của chúng ta. Hầu hết người dân New Zealand muốn mua một chiếc xe thân thiện với môi trường, nhưng chi phí trả trước và những sự lựa chọn hạn chế khiến điều này trở thành một thách thức. Kế hoạch mới này nhằm mục đích khiến những chiếc xe "sạch" trở thành một lựa chọn thực tế và phổ biến với người New Zealand hơn

Đề xuất của Chính phủ New Zealand sẽ được đem ra hỏi ý kiến người dân trong 6 tuần, trước khi Quốc hội nước này phê duyệt ban hành thành luật. Ước tính, nếu áp dụng đề xuất mới, New Zealand sẽ giảm được hơn 5 triệu tấn khí thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tiết kiệm khoảng 2,25 tỷ USD tiền nhiên liệu
 

Đính kèm

Tìm thành viên

Top