Chia sẻ Mạo danh Hải quan để lừa đảo

Chaien

Administrator
Thành viên BQT
Bài viết
1,008
Reaction score
939
Thời gian gần đây nhiều người dân bị mắc bẫy bởi một số đối tượng mạo danh là công chức hải quan để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. Cơ quan Công an và Hải quan cảnh báo để người dân hết sức cảnh giác, tránh bị lừa.

Kết bạn qua mạng để lừa

Đang họp, anh N.V.T, Báo Hải quan nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0345843296 của một người lạ tự xưng là nhân viên hải quan thông báo cho biết: "Anh có một kiện hàng được gửi từ nước ngoài về đang lưu tại kho của Hải quan, anh đóng tiền phí để hải quan làm việc với phía Bộ ngoại giao làm thủ tục xác nhận cho anh nhận hàng". Biết ngay đây trò lừa đảo, nhưng anh N.V.T vẫn giữ liên lạc để dò hỏi đối tượng. Đối tượng cung cấp cho anh này số tài khoản 2554xxx chủ tài khoản là Phạn Thị N., Ngân hàng ACB Phòng giao dịch Hà Đông, Hà Nội và yêu cầu chuyển ngay 30,232 triệu đồng tiền phí để nhận hàng. "Hải quan là cơ quan quản lý nhà nước, sao tài khoản lại là tài khoản cá nhân", anh T. đặt câu hỏi với đối tượng. Đối tượng giả danh nhân viên hải quan trấn an, à anh cứ chuyển tiền vào tài khoản đấy để tôi làm thủ tục với Bộ ngoại giao về kiện hàng của anh, nếu không sẽ không nhận được đâu… Sau một một hồi vòng vo, biết không thể lừa được, đối tượng nói sẽ gọi lại sau, nhưng mất tăm luôn.

Không chỉ có trường hợp trên, một số đối tượng còn gọi đến cả số điện thoại để bàn của cơ quan lừa đảo với hình thức tương tự.

Thời gian gần đây liên tục xuất hiện tình trạng đối tượng kết bạn qua mạng xã hội rồi gọi điện cho người dân mạo danh là nhân viên hải quan để lừa đảo, chiếm đoạt tiền.

Các đối tượng thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber, Wechat… giả danh người nước ngoài để nhắn tin làm quen, giao lưu, kết bạn, đặt vấn đề tình cảm nam nữ. Sau đó, các đối tượng báo chuyển tiền, quà có giá trị lớn về Việt Nam để đánh vào lòng tham, dẫn dụ người bị hại thực hiện việc thanh toán cước phí vận chuyển, tiền thuế, phí hải quan, tiền thuê luật sư vào các tài khoản do chúng tạo ra để chiếm đoạt tiền. Thậm chí có những trường hợp, các đối tượng còn dẫn người bị lừa ra tận sân bay chỉ cho họ các lô hàng để tại khu vực kho hàng, yêu cầu họ chuyển tiền nhanh để được nhận hàng.

Điều đáng nói, sau khi biết người bị lừa "cắn câu", các đối tượng yêu cầu phải giữ bí mật, không được nói cho ai biết, nếu bị lộ thông tin sẽ mất hết tiền hàng. Chính vì thế, nhiều người bị lừa cứ âm thầm vay mượn chuyển tiền cho đối tượng, đến khi không còn tiền để chuyển mới hỏi mượn người thân thì mới biết bị lừa…

Sau một thời gian kết bạn qua facebook, ngày 30/5/2019, anh T. X.T (Thái Thụy, Thái Bình) được "người bạn" tận phương Tây thông báo đang bị bệnh hiểm nghèo sắp qua đời, có mấy triệu USD muốn thông qua anh V. gửi về Việt Nam làm từ thiện. Ngay sau đó, một đối tượng tự xưng là người của Hải quan gọi điện thông báo tiền đã về đến kho hàng của hải quan, yêu cầu anh này giữ bí mật và chuyển 35 triệu đồng nộp phí hải quan để lấy hàng. Sau khi chuyển số tiền theo yêu cầu, đối tượng lại yêu cầu chuyển tiếp 70 triệu đồng để nộp thuế và thuê các dịch vụ khác. Trong lúc đi vay tiền, được người thân cảnh báo, anh V. mới biết mình bị lừa thì đã muộn, mất toi 35 triệu đồng.

Công an, Hải quan cảnh báo người dân

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng cảnh sát hình sự- Công an TPHCM cho biết, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội, điện thoại liên tiếp xảy ra. Các đối tượng phạm tội đánh vào lòng tham của một số người. Mặc dù cơ quan Công an và cơ quan Hải quan đã cảnh báo nhiều trường hợp giả danh công chức nhà nước để lừa đảo người dân nhận các bưu phẩm, bưu kiện, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp mắc bẫy.

Cuối năm 2018, Phòng cảnh sát hình sự- Công an TPHCM tiếp nhận thông tin từ Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, một phụ nữ tên M.T.T. gửi thông tin cho lãnh đạo Hải quan sân bay Tân Sân Nhất cầu cứu vì bị lừa hàng trăm triệu đồng. Theo trình bày bà M.T.T, bà nhận được thông tin có một thùng hàng gửi cho bà qua đường hàng không, bên trong chứa 1,5 triệu USD. Người này tự xưng là nhân viên hải quan nói bà M.T.T nộp thuế để lấy hàng. Tin lời người này, bà M.T.T đã chuyển 3 lần với số tiền 311 triệu đồng vào tài khoản của “nhân viên hải quan” nọ.

Chưa hết, đến ngày 12/10/2018, bà M.T.T. lại tiếp tục nhận được đề nghị có thêm một thùng hàng gửi cho bà này từ Vương quốc Anh, bên trong có chứa 2 triệu USD và yêu cầu bà M.T.T. nộp tiền để nhận hàng. Cũng như lần trước, bà M.T.T đã chuyển 15 triệu đồng cho người giả danh nhân viên hải quan này, nhưng cũng không nhận được lô hàng nào.

Điều đáng nói, sau khi biết mình bị lừa nhưng bà M.T.T. vẫn cho rằng mình bị chính nhân viên hải quan lừa nên cầu cứu Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu sân bay Tân quốc tế Sân Nhất. Bà bà M.T.T còn cho rằng, chỉ có nhân viên hải quan mới biết được thông tin về lô hàng nên báo cho nhân viên hải quan biết để lừa đảo hoặc tiếp tay cho bọn tội phạm lừa đảo!

Từ thông tin của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sân Nhất chuyển đến về tình trạng giả danh hải quan để lừa đảo, Công an TP.HCM tổ chức lực lượng điều tra và phát hiện chủ tài khoản giả danh cán bộ hải quan lừa đảo nhận tiền chỉ là tài khoản được đối tượng lừa đảo thuê mướn đứng tên chủ tài khoản.

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, qua thông tin đường dây nóng của đơn vị đã tiếp nhận người dân phản ánh nhiều trường hợp giả danh nhân viên hải quan sân bay để lừa đảo. Qua phản ánh của người dân cho thấy, các đối tượng tội phạm sẽ thông qua các trang mạng xã hội để kết bạn, làm quen với người bị hại. Qua một thời gian nói chuyện sẽ tiến tới tình cảm, hứa hẹn cưới xin rồi thông báo sẽ gửi tiền hoặc quà có giá trị lớn cho người bị hại.

Để tạo lòng tin, các đối tượng làm giả các bill hàng, chụp hình tiền, quà gửi cho người bị hại. Thậm chí, một số trường hợp trước đó chúng đã gửi cho bị hại những món quà “tạo niềm tin” như thỏi son, chai nước hoa, mỹ phẩm… để người bị hại không nghi ngờ. Khi đã tạo được niềm tin, các đối tượng bố trí người khác gọi điện cho người bị hại, giả danh nhân viên hải quan sân bay hoặc nhân viên kho hàng thông báo cho người bị hại phải nộp tiền thuế, tiền phạt để được nhận hàng. Không ít người vì quá tin tưởng vào mối quan hệ trên mạng đó đã nộp tiền mà không mảy may nghi ngờ.

Theo Công an TP.HCM, qua các vụ vi phạm cho thấy, hầu hết các vụ lừa đảo với phương thức, thủ đoạn trên đều do các đối tượng người gốc Phi cầm đầu và có sự móc nối, tham gia với các đối tượng người Việt Nam để đóng giả nhân viên giao nhận, nhân viên hải quan và thuê các đối tượng người Việt Nam đứng tên mở tài khoản ngân hàng, vì thế người dân phải hết sức cảnh giác.

Nguồn: http://www.haiquan.hochiminhcity.gov.vn
 

Tìm thành viên

Top