Thảo luận Hãng tàu "quên" cắm điện cho hàng nhập, thiệt hại ai chịu trách nhiệm?

Chaien

Administrator
Thành viên BQT
Bài viết
1,008
Reaction score
939
Mình xin phép được chia sẻ một "vụ án" được đăng trên face: Thủ tục Hải quan - xuất nhập khẩu của bạn Heo Mập
  • TÌNH HUỐNG:
Mọi người ơi, cho mình hỏi việc này. Bên mình gặp trường hợp như sau :

Bên mình nhập hàng thực phẩm đông lạnh mua 1 cont hàng CFR về Cát Lái VN. Hàng còn 15 ngày tới cảng thì bên hãng tàu mail cho người bán, người bán thông báo cho bên mình là : có 1 tin không tốt cho 2 bên, hãng tàu gửi email và nói là họ không cắm điện vào cont hàng tại cảng dỡ hàng và trên tàu 20 ngày rồi cho đến khi hãng tàu nhận ra và hàng này không còn phù hợp cho con người sử dụng. Bên người bán yêu cầu mình không trả phần tiền còn lại, bên bán yêu cầu hãng tàu giải quyết thì hãng tàu nói không phải trách nhiệm của hãng tàu.

Bây giờ hàng về đến cảng, bên mình không thể nhận hàng. Mình muốn hỏi là có cách nào mở cont ra giúp để bên người bán họ cử 1 bên kiểm tra lấy hàng để xem thử hàng ra sao, xác minh và có bằng chứng kiện hãng tàu không? Hải quan họ có cho mình mở cont không?

Mọi người có ai gặp trường hợp, chỉ giúp mình cách nào hổ trợ bên người bán. Chân thành cảm ơn mọi người góp ý.

  • MỘT SỐ HƯỚNG GÓP Ý GIẢI QUYẾT:
- Bạn Jonh Tran:

Thứ 1: Bạn đang mua hàng CFR, việc vận chuyển do người bán chịu nên phải đảm báo hàng hoá giao đúng như thoả thuận
Thứ 2: Sau khi có bill bạn phải mua bảo hiểm (Không biết đã mua chưa)
Thứ 3: Khi đã nói đến cont lạnh thì trách nhiệm nhà vận chuyển phải đảm bảo được hàng hoá khi book cont (Cty bảo hiểm bạn mua có thể kiện hãng tàu)
Thứ 4: Bạn có thể từ chối nhận hàng sau khi làm thủ tục HQ, giám định hàng không đạt chất lượng chứ không có vụ đi lấy mẫu trước để xem hàng có vấn đề hay không rồi mới khai HQ là không đúng.
Chúc bạn thành công.

- Bạn Phạm Thị Thu Hà:

Chị đồng ý với ý kiến của Tran, tuy nhiên đợi có B/L mới mua bảo hiểm là hơi trễ rồi, chỉ cần có booking là mua bảo hiểm cho đảm bảo quyền lợi của chủ hàng ngay khi chuyển giao trách nhiệm theo giá mua/ bán. Về vấn đề mà Bạn Heo đang gặp thì nếu bạn í đã mua bảo hiểm, B/L sạch, người bán thực hiện đúng, đủ trách nhiệm của họ thì đợi hàng về Cảng đến, bạn Heo mời đại diện các bên đến Kho Cảng tiến hành mở Container giám định, hàng tổn thất sẽ do Cty bảo hiểm bồi thường, sau khi thống nhất số tiền bồi thường cho bạn, cty bảo hiểm sẽ yêu cầu bạn ký biên nhận tiền và thế quyền cùng tất cả những thông báo, chứng từ liên quan khác của lô hàng, bảo hiểm sẽ đòi lại bên thứ 3 (bên gây ra lỗi) để thu hồi lại số tiền hàng đã bồi thường cho bạn heo, đòi được hay không là cả 1 vấn đề.
Nếu mà bạn Heo chưa mua bảo hiểm, bạn và người bán hàng sẽ kết hợp đòi đơn vị vận chuyển. Chúc bạn nhanh chóng xứ lý được vụ này và 1 lưu ý đến bạn Heo là cần phải book ngay 1 container mới để kịp thay thế container đang gặp sự cố.

- Bạn Thuan Huynh:

1. CFR thì giao điểm chuyển rủi ro là tại cảng xếp hàng nên shipper đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng rồi nhé. Không có quyền kiện shipper đâu. Họ là người tốt đấy!
2. Mình góp ý về cách giải quyết như sau:
- Hãng tàu có email thừa nhận container quên cắm điện thì là LỖI CỦA HÃNG TÀU. Việc thừa nhận lỗi này chỉ có thể là shipper làm việc với VPhòng hãng tàu tại nước ngoài. Hãng Tàu tại Việt Nam sẽ không can thiệp và không chịu trách nhiệm.
- Về việc xem hàng trước thì làm công văn gửi hải quan yêu cầu xem hàng trước và giám định thiệt hại nhưng nhớ phải có 3 bên: Giám định độc lập ví dụ như Intertek, SGS (chi phí do mình chịu trước); Đại diện Hãng Tàu, Đại diện Cảng. Sau khi có Kết Quả Giám Định Độc Lập thì gửi cho shipper nhờ shipper can thiệp với đầu nước ngoài. Tại Việt Nam, bạn chỉ có thể nhờ Hãng Tàu hỗ trợ về mặt chứng từ thôi. Việc Claim Hãng Tàu phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tỷ lệ tổn thất, hướng giải quyết để ngăn chặn tổn thất, phương án xử lý (ví dụ như bạn đề nghị Hãng Tàu, thông qua shipper, một số tiền nhất định. Lưu ý phải cộng tất cả các khoản phí phát sinh như: hủy hàng nếu có, giám định, thủ tục hải quan rút hàng/ từ chối nhận hàng, tái xuất...). Mọi việc là do shipper hỗ trợ bạn nhé.
Mong bạn sớm giải quyết được vấn đề này.

- Bạn An Phương:

Hãng tàu /FWD bắt buộc mua BH của nhà VC khi tham gia WCA nên sẽ bồi thương cho bạn sau khi dc giám định thiệt hại về hàng hoá do sự bất cẩn của việc vc gây ra mặc dù bạn kg mua BH cho hàng hoá của mình . Về vd này nhà vc sẽ llac với shipper để giải quyết thay vì cnee

- Bạn Nguyễn Bá Phong:

Đối với trường hợp này điều đầu tiên và duy nhất mà bạn nên làm là không chủ động làm bất kỳ việc gì mà không có sự tham gia cũng như ký kết giữa các bên liên quan. Hàng lạnh mà hơn 20 ngày không cắm điện thì xác xuất hư hỏng lên đến 96.69 % rồi. Để có thể đưa quyết định chính xác cũng như có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của công ty, theo tôi trước tiên bạn phải thu thập đầy đủ chứng từ / thông tin cần thiết của suốt quá trình di chuyển của container nói trên.

A. Đầu tiên tại cảng đi:

Bạn nên nhờ shipper hỗ trợ thu thập các chứng từ sau:
1-SI (Shipping Instruction) cũng như email trao đổi giữa shipper và carrier có chứa SI này.
2-EIR (get-in) là chứng từ ghi nhận tình trạng container tại thời điểm vào cổng hoặc hạ bãi (đối với hàng lạnh) tại cảng xuất.
3-Daily Logbook của cảng xuất ghi nhận tình trạng của container trong suốt quá trình chờ xuất tàu.
4-statement of fact (nếu có) là chứng từ ghi nhận các sự cố bất thường nếu có trong quá trình xuất tàu.
Tất cả các chứng từ trên là những chứng từ quan trọng để chúng ta xác định được tình trạng của container tại cảng xuất. Bạn có thể nói shipper yêu cầu carrier cung cấp cho bạn.

B. Quá trình load hàng lên tàu và trong hành trình ngoài biển:

Bạn tiếp tục nhờ shipper yêu cầu carrier cung cấp cho mình các chứng từ sau:
1- Mate's Receipt: Là chứng từ mà thường Đại Phó của tàu ký nhận tình trạng cont khi được load lên tàu. Có nhiều hãng nay ko dùng chứng từ này nữa nhưng họ có chứng từ khác tương đương.
2- Daily Logbook của tàu, là chứng từ ghi nhận mọi hoạt động trên tàu trong suốt hành trình. Đối với hàng lạnh, thuỷ thủ / kỹ thuật viên của tàu có nghĩa vụ phải kiểm tra tình trạng nhiệt độ, tình trạng hoạt động của cont liên tục theo từng mốc thời gian trong suốt ca trực nên không có chuyện không cắm điện 20 ngày mà không biết nếu cont này trên SI / Bill đã thể hiện là hàng lạnh. Điều này là vô lý nên chứng từ này rất quan trọng.
3- Sea Protest Letter (nếu có) - riêng trường hợp này theo tôi là không có nhưng bạn cứ yêu cầu.

C. Quá trình transit ở cảng thứ 3 (nếu có)

Bạn lại nhờ shipper yêu cầu các chứng từ sau:
1- ROROC: kết toán giao nhận hàng, thường nó sẽ có ghi nhận tình trạng cont được dỡ tạm từ tàu xuống cảng transit. Đối với cont lạnh nó ghi nhận nhiệt độ

2- COR: biên bản hàng đỗ vỡ (nếu có) - trường hợp này như trên tức là theo tôi ko có nhưng bạn cứ yêu cầu.

3- Daily Logbook của cảng transit, ghi nhận tình trạng nhiệt độ cont trong quá trình tạm nằm ở cảng transit để tiếp tục load lên tàu đi về cảng nhập.

D. Cuối cùng là tại cảng dỡ:

Bạn có thể trực tiếp liên hệ với đại lý của carrier ở Việt Nam để thu thập:

1- ROROC: kết toán giao nhận hàng, thường nó sẽ có ghi nhận tình trạng cont được dỡ từ tàu xuống cảng nhập.

2- COR: biên bản hàng đỗ vỡ (nếu có) - trường hợp này như trên tức là theo tôi ko có nhưng bạn cứ yêu cầu.

3- Daily Logbook của cảng nhập, ghi nhận tình trạng nhiệt độ cont trong quá trình tạm nằm ở cảng.

Mặc dù cont của bạn không được cắm điện có nghĩa là không có bất kỳ một chứng từ nào ghi nhận nhiệt độ trong suốt quá trình vận chuyển nhưng bạn vẫn phải yêu cầu lấy các chứng từ này bạn biết vì sao không? Vì án tại hồ sơ, rất đơn giản.

Xong quá trình thu thập chứng từ / bằng chứng, đến đoạn giải quyết. Đối với những trường hợp này, bất kỳ một hành động nào cũng nên phải có sự đồng ý của tất cả các bên (shipper, forwarder, line, consignees, insurer, surveyor...) và có biên bản ký nhận. Theo tôi, bạn nên yêu cầu một cuộc họp giữa các bên để thống nhất hướng giải quyết về việc tạm mở cont để kiểm tra hàng. Cuộc họp phải có biên bản họp thống nhất hướng giải quyết với sự ký nhận của các bên. Sau đó tính tiếp các bước tiếp theo tuỳ tình huống.

P/s: Do chưa nắm được chứng từ cũng như toàn bộ sự việc nên tôi chỉ có thể tư vấn đến đây, có gì sai sót xin được lượng thứ. Cảm ơn các bạn đã chịu khó đọc đến đoạn này, chào thân ái và quyết thắng. Ahihi

- Bạn Phu Thanh:

Gửi chủ thớt và các bạn theo dõi vụ này. Nếu các bạn đã từng đọc án lệ của VIAC thì các bạn sẽ rõ vụ này tương tự như án lệ trước kia mà VIAC đã thụ án. Kết quả ai cũng đoán được. Hãng tàu đền bù cho lô hàng trên. Và truy thu trách nhiệm của cảng. Nhưng vấn đề mình muốn nói ở đây. Các bạn nên nhìn vào thực tế chứ đừng nên dựa trên lý thuyết. Thực tế đây là hàng nhập, cảng nước ngoài, liner nước ngoài. Giá trị của cont hàng là bao nhiêu? Nếu thực sự giá trị quá nhỏ chỉ khoảng vài trăm triệu thì mình khuyên chủ thớt và ng bán nên bàn bạc lại vs nhau. Nếu 2 bên là ng mới thì nên truy thu yêu cầu bảo hiểm (cơ mà hình như CFR thì đúng là nhọ thật) và liner chịu trách nhiệm MỘT PHẦN. còn nếu lô hàng thực sự k đáng giá bao nhiêu thì nên ngậm đắng bỏ qua. Vì lý do là để truy thu xem bên nào có lỗi. Và lỗi nằm ở đâu thì rất khó. Thường những vụ án như thế này phải mang sang SIAC hoặc HIAC. để thụ lý. Và mất chi phí công sức thời gian và tiền bạc. Nếu thực sự muốn truy cứu trách nhiệm thì vẫn được thôi. Nhưng mình muốn nói về bài toán kinh tế. Còn những bác ở đây chia sẻ kinh nghiệm hãng tàu chịu trách nhiệm là đúng. Nhưng để nói nó có đền bù không. Thì mình mạn phép trả lời. KHÔNG BAO GIỜ NÓ CHỊU ĐỀN BÙ 100%. Hoạ chăng nó sẽ đền bù 10-20% coi như tiền đền bù thiệt hại. Còn nếu muốn nó đền bù hết thì CHI PHÍ THEO ĐUỔI KIỆN > GIÁ TRỊ CONT HÀNG! Làm kinh tế, lợi làm.
 

Chaien

Administrator
Thành viên BQT
Bài viết
1,008
Reaction score
939
Các bạn tham khảo để rút kinh nghiệm hoặc có quan điểm gì thì chia sẻ với web nhé!
 

Tìm thành viên

Top